Huy động nguồn lực xã hội cung ứng giải pháp số trong quản lý Nhà nước

Công cuộc chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của các cơ quan nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề cần có giải pháp số phù hợp. Để huy động nguồn lực xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động đặt hàng với các đối tác về thiết lập và cung ứng các giải pháp số cho các ngành, các cấp của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường ứng dụng giải pháp số trong công tác quản lý của ngành Giáo dục.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường ứng dụng giải pháp số trong công tác quản lý của ngành Giáo dục.

Nhu cầu bức thiết

Phòng Giáo dục thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin trên địa bàn hiện có 34 phường với hơn 1,3 triệu dân; có hơn 700 đơn vị giáo dục, nhưng chỉ có 40 cán bộ, nhân viên quản lý ngành. 100% các trường trong hệ thống công lập đều có máy tính cấu hình tốt, có kết nối mạng internet tốc độ cao, cơ bản đủ đáp ứng cho việc số hóa các tài liệu giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đều có phần mềm quản lý học sinh, nhân sự, tài chính, thư viện… Tuy nhiên, hệ thống trường lớp tương đối lớn, lực lượng cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách của các cơ sở giáo dục chưa đầy đủ, đa phần kiêm nhiệm… dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu trên các hệ thống quản lý.

Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng được một công cụ quản lý tổng thể ứng dụng kỹ thuật số trong ngành Giáo dục, thay cho các giải pháp manh mún lâu nay.

Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng được một công cụ quản lý tổng thể ứng dụng kỹ thuật số trong ngành Giáo dục, thay cho các giải pháp manh mún lâu nay.

“Các phần mềm đang triển khai đơn lẻ, chưa có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu; các dữ liệu còn manh mún, rời rạc, chưa được chuẩn hóa và thống nhất, chưa liên thông được với nhau, gây khó khăn trong công tác nhập liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ quản lý giáo dục. Do vậy, chúng tôi rất cần một hệ thống chung ứng dụng công nghệ để quản lý dễ dàng hơn, giảm áp lực cho đội ngũ quản lý”, ông Đoàn Đức Quý (Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức) nói.

Còn theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở cũng đang rất cần đặt hàng xây dựng ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực Y tế. Cụ thể, thành phố hiện có gần 10.000 cơ sở khám, chữa bệnh gồm 129 bệnh viện, 22 trung tâm y tế, 310 trạm y tế, 7101 phòng khám tư, 39 trạm cấp cứu. Trung bình mỗi ngày có hơn 90.000 quảng cáo mới thuộc lĩnh vực y tế ra đời, nhu cầu trong hoạt động quảng cáo thuộc lĩnh vực này là rất lớn…

Theo quy định, nội dung những quảng cáo này phải có giấy xác nhận của Sở hoặc Bộ Y tế. Tuy nhiên, do số lượng quá lớn, hiện còn nhiều nội dung quảng cáo sai lệch, không chính xác, lừa đảo hoặc quảng cáo trái phép, là một trong những thách thức lớn với cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế là sai sự thật, cần được quản lý, chấn chỉnh.

Nhiều nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế là sai sự thật, cần được quản lý, chấn chỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh) cho biết việc phát hiện vi phạm quảng cáo trong Y tế vẫn đang được thực hiện theo cách truyền thống, tức là các cơ quan quản lý Y tế sẽ thực hiện kiểm tra và kiểm soát các quảng cáo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Như vậy, có nguy cơ sót lọt các thông tin sai lệch, không chính xác, lừa đảo hoặc có tính chất quảng cáo trái phép, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Những kỳ vọng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh), các giải pháp quản lý số trong ngành Giáo dục trước mắt triển khai thí điểm tại thành phố Thủ Đức rồi nhân rộng toàn thành phố.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý ngành Giáo dục giai đoạn 2023-2025.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý ngành Giáo dục giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, giải pháp quản lý số này (cả ứng dụng web và app mobile) cần đáp ứng các nội dung quản lý lớp học, phân công giáo viên, thời khóa biểu; danh bạ toàn ngành, hệ thống tin nhắn OTT chỉ đạo toàn ngành giáo dục, có thể phân theo nhóm; hệ thống camera an ninh, kết nối toàn ngành; tổ chức dạy học trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thông tin kết quả học tập đến phụ huynh học sinh - ứng dụng tin nhắn OTT; tổng hợp thông tin nhanh, tin nóng liên quan đến lĩnh vực giáo dục…

Với đặt hàng giải pháp từ Sở Y tế, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Minh cho biết, Sở đã ra “đề bài đặt hàng” xây dựng giải pháp chuyển đổi số nhằm phát hiện vi phạm quảng cáo trong y tế.

Giám đốc Sở Y tế và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2022-2025.

Giám đốc Sở Y tế và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, giải pháp tích hợp cơ sở dữ liệu về nội dung giấy phép quảng cáo của tất cả các cơ sở đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; kết nối cơ sở dữ liệu quảng cáo của các đơn vị trên phương tiện truyền thông mạng; tự động phát hiện sớm các cơ sở quảng cáo các dịch vụ liên quan lĩnh vực y tế nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; chia sẻ thông tin quảng cáo sai sự thật, không chính xác để người dân được biết…

Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023, Sở đã triển khai đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên 5 lĩnh vực, gồm: Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ Đô thị thông minh và chuyển đổi số. Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp. Chương trình Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình Nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị…

Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng thành công công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.

Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng thành công công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng thông tin, năm 2023, thành phố đã nâng tỷ lệ dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt 30%; ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu đạt trên 70%; ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặt hàng do Sở Khoa học và Công nghệ cấp.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-cung-ung-giai-phap-so-trong-quan-ly-nha-nuoc-654040.html