Huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân tại một số địa phương. Bên cạnh việc dồn sức chống dịch, các cấp, ngành đã có nhiều chương trình, cách làm thiết thực hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế... giúp người dân vượt qua khó khăn, bảo đảm đời sống, yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân tại một số địa phương. Bên cạnh việc dồn sức chống dịch, các cấp, ngành đã có nhiều chương trình, cách làm thiết thực hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế... giúp người dân vượt qua khó khăn, bảo đảm đời sống, yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.

Chung tay hỗ trợ người dân vùng dịch

Ngay khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã hỗ trợ khẩn cấp các địa phương 200 tấn gạo để chuyển đến những hộ khó khăn nhất ở cơ sở. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ người dân ở khu vực cách ly, phong tỏa. Giữa tháng 8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng có văn bản về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người bán hàng rong, vé số, người khuyết tật, công nhân, sinh viên ở trọ, các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác... Mỗi một khẩu phần ăn trong gia đình được nhận 10 kg gạo trong tháng 8. Ngay khi văn bản được ban hành, Mặt trận các phường, xã; các Ban công tác Mặt trận khu dân cư nhanh chóng phối hợp chính quyền rà soát, lập danh sách người dân trên địa bàn gặp khó khăn để tổng hợp xem xét hỗ trợ. Đến cuối tháng 8, Mặt trận thành phố đã trao 840 tấn gạo và 17,4 tỷ đồng cho các quận, huyện để hỗ trợ các đối tượng nêu trên. Tổng lượng gạo và tiền có kinh phí hơn 33 tỷ đồng, được trích từ nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân.

Tại huyện Hòa Vang, ngay khi huyện có ba thôn tại xã Hòa Tiến thực hiện phong tỏa, Mặt trận huyện và các ban, ngành, đoàn thể đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân. Tất cả hộ dân gồm hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn đều được hỗ trợ gạo mỗi hộ từ 10 đến 20 kg. Ngoài ra, huyện cũng sử dụng tiền vận động được và vận động các nhà hảo tâm để bảo đảm cấp phát cho mỗi người dân một suất lương thực mỗi ngày trong 14 ngày cách ly. Nhiều tổ chức từ thiện cũng trực tiếp đến tận nơi để hỗ trợ người dân...

Những ngày đầu thực hiện cách ly, bà Trần Thị Hà (50 tuổi, thôn Lệ Sơn Nam) không tránh khỏi những lo lắng. Chồng bà hay bị đau ốm không làm được nhiều, bản thân bà không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy. Nay cả thôn phong tỏa, bà không biết làm thế nào để vượt qua 14 ngày và cả những ngày tiếp theo khi dịch vẫn còn đang diễn ra. Vậy nhưng, chỉ đến ngày thứ ba, ban nhân dân thôn đã mang đến cho nhà bà 40 kg gạo để gia đình sử dụng. Những ngày sau đó, mỗi ngày bà đều được các bạn thanh niên và người trong thôn đến cấp lương thực đủ cho cả nhà. Bà Hà chia sẻ: “14 ngày thấm đẫm tình người của cả thôn, tôi không phải lo lắng lương thực mỗi ngày, còn luôn nhận được sự động viên của cán bộ thôn để gia đình yên tâm thực hiện giãn cách. Sau khi hết phong tỏa, tôi vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ về lương thực từ thôn, xã”...

Ngoài hỗ trợ của Mặt trận, các hội, đoàn thể cũng có những chương trình để chăm lo người nghèo; trong đó có việc kêu gọi các nhà hảo tâm, phối hợp với các quận, huyện, phường, xã. Theo đó, có nhiều mô hình nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân gặp khó khăn với những tên gọi như: Phiên chợ 0 đồng, Quầy hàng 0 đồng, Siêu thị di động, ATM gạo - Hạt giống tâm hồn, Siêu thị sẻ chia 0 đồng… Đây là những mô hình được thực hiện từ cá nhân có lòng hảo tâm, câu lạc bộ, nhóm, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng, Hội Sinh viên Việt Nam TP Đà Nẵng… được đặt ở các ký túc xá, trường đại học, các phường, khu dân cư… nhằm bảo đảm tất cả các quận đều có mô hình, người dân các quận đều được nhận hỗ trợ.

Tại TP Đà Nẵng đang có hơn 60 nhóm thiện nguyện đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ thiết thực cho những đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các bạn trẻ của Câu lạc bộ (CLB) Bếp cơm Vạn Tình và Chuyến xe nghĩa tình đã hai lần có mặt trên những nẻo đường của Đà Nẵng để kịp hỗ trợ cho người nghèo. Cuối tháng 3-2020, khi dịch xuất hiện tại Đà Nẵng đợt 1, CLB đã hỗ trợ 140 nghìn suất ăn dành cho người nghèo, trị giá 2,8 tỷ đồng; tổ chức Siêu thị 0 đồng trị giá 234 triệu đồng. Lần này, dịch tới bất ngờ khi nhiều gia đình còn chưa kịp ổn định từ đợt trước, những hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ càng nhiều hơn. Các thành viên lại tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn lực, qua đó đã trao 5.000 suất quà gồm các loại nhu yếu phẩm cho các khu vực cách ly, phong tỏa, cho sinh viên ngoại tỉnh bị mắc kẹt đang ở lại Đà Nẵng, với trị giá 875 triệu đồng. Bên cạnh đó, CLB còn chuẩn bị cho chương trình Yêu thương tận bếp gia đình, với số tiền 963 triệu đồng; hỗ trợ hơn 2.000 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo của các tỉnh miền trung được về tận nhà trong chương trình “Chuyến xe tình nghĩa giá 0 đồng”… Chủ nhiệm CLB Bếp cơm Vạn Tình Hồ Ngọc Thanh cho biết: Các thành viên đang khảo sát để tiếp tục trao quà tặng người nghèo của bảy quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mong rằng với những nỗ lực góp chút sức nhỏ này, người dân an tâm vượt qua dịch bệnh, thành phố nhanh chóng bình yên trở lại.

Tại tỉnh Hải Dương đã có khá nhiều khu dân cư thuộc các huyện Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc và TP Hải Dương buộc phải cách ly y tế do liên quan trực tiếp đến những người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Tiếp sức cho Hải Dương chống dịch, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ người dân khó khăn tiền mặt và nhiều vật tư y tế trị giá hàng tỷ đồng. Chỉ tính từ ngày 25-8 đến nay, các phường, xã trên địa bàn TP Hải Dương đã chuyển nhiều loại nhu yếu phẩm trị giá khoảng 800 triệu đồng tới 2.546 hộ nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, mỗi hộ khó khăn được nhận phần quà gồm 10 kg gạo, một thùng mì tôm cùng nước mắm, dầu ăn... Nguồn kinh phí này do Quỹ từ thiện bác ái Caritas (Hải Phòng) phối hợp với Giáo xứ Hải Dương Kim Lai cùng một số tổ chức, cá nhân ủng hộ. Trên địa bàn TP Hải Dương còn xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ người dân phòng, chống và vượt qua đại dịch với những việc làm thiết thực như: thành lập điểm cấp phát nhu yếu phẩm miễn phí, lắp đặt “ATM” khẩu trang, lắp đặt các máy rửa tay tự động.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương, Trịnh Ngọc Ánh cho biết, sau khi tìm hiểu và được biết tại thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách) có khoảng 100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm trong vùng phong tỏa, Tỉnh đoàn đã kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội và thật bất ngờ chỉ sau hai giờ phát động đã tiếp nhận được số nhu yếu phẩm khá lớn từ sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Sau một ngày phát động, toàn bộ số nhu yếu phẩm đã được chuyển đến thôn Trực Trì trao tận tay 100 hộ dân đang gặp khó khăn. Đặc biệt, trong cơn bão dịch mới thấy rõ những tấm lòng của người dân, như trường hợp ông Vũ Duy Ái, 57 tuổi ở thị trấn Kẻ Sặt, vẫn định kỳ đến Trung tâm Y tế huyện Bình Giang với nồi cháo nhân đạo để chuyển hơn 400 suất cháo dinh dưỡng đến tay các người bệnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã gây gián đoạn việc chi trả cho các đối tượng còn lại của đợt 1 theo gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Tại Quảng Trị, sau khi hoàn thành chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh Quảng Trị gấp rút triển khai hỗ trợ nhóm đối tượng hộ kinh doanh, người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Quảng Trị, Dương Thị Hải Yến cho biết, đến ngày 31-8, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 13.110 NLĐ, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 13,284 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho hơn 13.082 NLĐ, hộ kinh doanh với số tiền hơn 13,256 tỷ đồng, những đối tượng còn lại đang được UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt. Chủ trương của tỉnh là phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ đến đâu, các địa phương cần phải thực hiện chi trả kịp thời đến đó. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã rà soát, tham mưu bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được hỗ trợ ngoài Quyết định 15 hơn 25 nghìn lao động mất việc làm, giảm sâu thu nhập.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, công tác chi trả hỗ trợ cho các đối tượng còn lại của đợt 1 theo gói 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đến giữa tháng 8, huyện Long Thành, TP Long Khánh và TP Biên Hòa tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung danh sách và kinh phí hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước sự chậm trễ này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Hòa Hiệp yêu cầu chính quyền các địa phương trên và Sở LĐ-TB và XH làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong thực hiện rà soát, trình danh sách người dân được hưởng hỗ trợ. Theo Sở LĐ-TB và XH Đồng Nai, một trong những nguyên nhân chậm trễ trong việc chi hỗ trợ là do quá trình rà soát, cán bộ được phân công đã làm không đúng quy trình, dẫn tới khi tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định chi hỗ trợ đã xảy ra sai sót. Đối với TP Biên Hòa do trên địa bàn có 1,2 triệu người, trong đó 900 nghìn người trong độ tuổi lao động cho nên công tác rà soát, hỗ trợ gặp khó khăn, nhất là đối với việc xác nhận NLĐ nhập cư về quê làm thủ tục hướng dẫn không nhận hỗ trợ.

Chưa vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch hồi tháng 4, dịch Covid-19 quay trở lại đã tác động lớn đến việc làm, đời sống NLĐ. Nhiều lao động trên địa bàn Đồng Nai đang phải thắt chặt chi tiêu để xoay xở với cuộc sống. Trước khó khăn của công nhân lao động, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn cũng giảm và miễn tiền thuê phòng. Ông Lý Văn Lực, chủ nhà trọ tại ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cho biết, để chia sẻ khó khăn với công nhân, trong đợt dịch trước đã miễn 100% tiền thuê trọ cho công nhân trong hai tháng. Dịch bệnh bùng phát trở lại, ông tiếp tục giảm giá và cho công nhân nợ tiền thuê trọ. Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh, chủ nhà trọ tại phường An Bình, TP Biên Hòa cũng giảm giá thuê trọ từ 1 triệu đồng xuống còn 500 nghìn đồng/phòng/tháng, nhằm chia sẻ khó khăn với công nhân lao động.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý, Đồng Nai là tỉnh tập trung đông công nhân cho nên trước những khó khăn của NLĐ, các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp để duy trì việc làm cho NLĐ. Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong doanh nghiệp, các cấp công đoàn sẽ tăng cường nắm bắt tình hình việc làm, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để có biện pháp hỗ trợ và làm việc với các doanh nghiệp giải quyết chế độ, chính sách đúng luật quy định. Bên cạnh đó, đồng hành với NLĐ để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

TÂM VINH và HUY VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/huy-dong-nhieu-nguon-luc-ho-tro-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-dich-covid-19-616180/