Huy động trên 33 nghìn tỷ đồng để kiên cố trường, lớp học

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đến dự. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo 8 huyện, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có gần 39 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. So với năm 2013, tổng số trường đã giảm trên 2.400 trường do các địa phương thực hiện quy hoạch lại, sáp nhập với các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, dồn ghép các trường lẻ... Tuy nhiên, sĩ số lớp và số học sinh tăng. Hết năm 2023, cả nước có trên 628 nghìn phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng trên 73 nghìn phòng học so với năm 2013, trong đó, số phòng học kiên cố trên 545 nghìn phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%.

Có được kết quả nổi bật đó là do trong giai đoạn 2013-2023, cả nước đã thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục-đào tạo; công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân cho phát triển giáo dục đào tạo.

Trong giai đoạn 2013-2023, có trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa khoảng 36 nghìn phòng học và khoảng 1.300 nhà công vụ với tổng kinh phí khoảng 33 nghìn tỷ đồng.

Ngành Giáo dục-đào tạo đề ra mục tiêu đến năm 2030, số phòng học được kiên cố hóa đạt 100%, khoảng 75.380 phòng học và xây dựng đủ số phòng học công vụ cho giáo viên theo nhu cầu (trên 10.700 phòng)

Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương tập trung vào một số giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác xã hội hóa, kiên cố hóa trường học, lớp học, nhà công vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương; tăng cường phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp; khuyến khích mô hình hợp tác công tư để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước...

Tại hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp có đóng góp tiêu biểu cho công tác xã hội hóa giáo dục-đào tạo đã được biểu dương, vinh danh.

Đào Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/huy-dong-tren-33-nghin-ty-dong-de-kien-co-truong-lop-hoc-618191.htm