Huyện Cao Lãnh phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả

ĐTO - Phát huy lợi thế vốn có, thời gian qua, huyện Cao Lãnh không ngừng đổi mới và sáng tạo trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những giải pháp đồng bộ, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến việc ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, diện mạo nông thôn huyện có nhiều đổi mới, đời sống người dân được nâng cao đáng kể.

Vườn xoài của ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) sản xuất theo hướng hữu cơ, được truy xuất nguồn gốc và thực hiện dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”

Vườn xoài của ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) sản xuất theo hướng hữu cơ, được truy xuất nguồn gốc và thực hiện dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”

Phát huy lợi thế sẵn có trên nền tảng nông nghiệp

Theo UBND huyện Cao Lãnh, thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích lúa 3 vụ, tăng diện tích thực hiện các mô hình sản xuất luân canh. Từ năm 2021 đến nay, huyện phát triển diện tích vùng chuyên canh cây ăn trái ven Quốc lộ 30 thêm 2.373ha (tăng 32,6% so với giai đoạn 2016 - 2020) trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, chanh, ổi... Tỷ lệ áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn gắn với xây dựng mã số vùng trồng đạt 80,8% diện tích đất sản xuất; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm chanh không hạt, xoài theo hướng hữu cơ, ớt, ổi, sầu riêng...

Trên địa bàn huyện xuất hiện các mô hình chuỗi liên kết giá trị tiêu biểu, tích hợp đa giá trị, duy trì liên kết và tiêu thụ một số ngành hàng chủ lực của huyện; có 20/25 hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ như: lúa 82.458ha, với sản lượng 535.906 tấn; sản lượng liên kết cây ăn trái 28.458 tấn, tổng giá trị tăng thêm hơn 153 tỷ đồng so với vùng sản xuất không thực hiện liên kết.

Hiện, địa phương có hơn 40 mô hình canh tác đa tầng, cải tạo vườn tạp được triển khai thực hiện với diện tích 129,57ha/146 hộ tham gia ở các xã, thị trấn mang lại hiệu quả thiết thực, có thu nhập cao hơn từ 1,2 - 1,3 lần so với sản xuất bình thường. Các mô hình phát huy được lợi thế sẵn có trên nền tảng nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị, tiến đến xây dựng mối liên kết trong chuỗi giá trị, đảm bảo giảm giá thành sản xuất; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho nông dân; hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nâng cao chất lượng, giá trị và bền vững

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất lúa, áp dụng cơ giới hóa tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc và thu hoạch... gắn với phát triển nhãn hiệu Gạo sạch Cao Lãnh; diện tích sản xuất lúa hàng năm của huyện là 81.500ha (giảm 5.310ha so với năm 2020), sản lượng 534.840 tấn (tăng 105.940 tấn so với năm 2020), có khoảng 90% diện tích lúa chất lượng cao (tăng 4,5% so với năm 2020); khoảng 95% diện tích áp dụng các biện pháp giảm giá thành, qua đó giúp năng suất tăng từ 100 - 300kg/ha, giảm giá thành sản xuất từ 50 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm khoảng 22 triệu - 26 triệu đồng/ha.

Huyện đang triển khai thực hiện các mô hình theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bền vững, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người sản xuất, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn, bền vững.

Đối với ngành hàng xoài, địa phương tiếp tục phát triển dịch vụ “Cây xoài nhà tôi” bán hàng qua website của Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác https://htx.cooplink.com.vn/, sử dụng nhật ký điện tử trên website: facefarm.vn, góp phần giới thiệu và quảng bá ngành hàng xoài của địa phương. Với hình thức thuận tiện trong bán hàng, minh bạch thông tin qua mã QR-Code truy xuất nguồn gốc, hàng năm bán được 20 - 25 cây xoài, giá bán từ 6 triệu - 7 triệu đồng/cây. Bên cạnh đó, phối hợp Tập đoàn Mỹ Lan triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh và phát triển dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”, với quy mô 500ha tại xã Mỹ Xương.

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng/người/năm, tăng 1,25 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo là 1,26% (672 hộ) và cận nghèo 2,66% (1.413 hộ). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76% (tăng 8% so với năm 2020); tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 37,6% tổng lao động xã hội (giảm 12,6% so với năm 2020). Triển khai thực hiện Đề án của tỉnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, hiện có 40% nông dân trên địa bàn huyện biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến (đạt 66,7% kế hoạch), ước đến cuối năm 2024 đạt 50%; có 100% sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Toàn huyện có 6 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 6 xã so với năm 2020), ước đến cuối năm 2024 có thêm 7 xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao trên toàn huyện là 13 xã...

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-cao-lanh-phat-trien-kinh-te-nong-thon-hieu-qua-126587.aspx