Huyện đoàn Thanh Liêm tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; đứng ra nhận ủy thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chủ động, xung kích trong phát triển kinh tế. Đó là những việc làm thiết thực đã và đang được các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Thanh Liêm triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; đứng ra nhận ủy thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chủ động, xung kích trong phát triển kinh tế. Đó là những việc làm thiết thực đã và đang được các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Thanh Liêm triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương có truyền thống làm nông nghiệp, với ước mơ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, anh Nguyễn Văn Thao, sinh năm 1986, thôn Ba Làng (Thanh Phong) quyết tâm lập nghiệp ở quê. Khởi nghiệp bằng nuôi rắn, năm 2010, anh đã thuyết phục gia đình vay ngân hàng 50 triệu đồng để xây dựng gần 100m2 chuồng trại và mua con giống ban đầu, gồm: 70 con hổ mang, 70 con hổ trâu, 50 con rắn sọc dưa, 100 con rắn giáo. Lứa đầu tiên thành công, lợi nhuận cao, anh tiếp tục lấy vốn quay vòng để mở rộng mô hình. Vừa nuôi, anh vừa giao lưu, học hỏi với các hộ nuôi rắn khác, đồng thời, học cách nhân giống, thu trứng để ấp con giống tái đàn. Năm 2020, được tổ chức đoàn địa phương đứng ra tín chấp 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cùng với nguồn vốn tiết kiệm của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi rắn rộng hơn 500m2 với gần 3 nghìn con rắn các loại.

Anh Nguyễn Văn Thao chia sẻ: Nuôi rắn không khó, thậm chí rất nhàn. Khu nuôi rắn phải xây biệt lập, không gần nhà dân; chuồng phải xây gạch kiên cố, tránh rắn ra ngoài, phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thức ăn của rắn chủ yếu là cóc, nhái, vịt siêu ở các lò ấp bỏ đi. Được biết, hiện tại, mỗi năm anh bán ra thị trường 4 -5 tấn rắn thương phẩm các loại, trung bình 550-600 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt trên 1tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 400-500 triệu đồng. Cùng với việc duy trì nguồn giống tại gia đình, anh còn cung cấp ra thị trường từ 1.000 - 1.200 con rắn giống các loại.

Mô hình nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Thao, thôn Ba Làng, xã Thanh Phong (Thanh Liêm) cho thu nhập cao.

Mô hình nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Thao, thôn Ba Làng, xã Thanh Phong (Thanh Liêm) cho thu nhập cao.

Còn anh Nguyễn Quang Tú, sinh năm 1995, thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm lại phát triển mô hình chăn nuôi thủy sản. Năm 2018, sau khi được tổ chức đoàn địa phương hướng nghiệp, hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH, anh đầu tư cải tạo trên 3 mẫu ao chuyên nuôi cá thương phẩm kết hợp chăn nuôi thủy cầm để tạo nguồn thức ăn cho cá. Hiện tại, trung bình mỗi năm anh xuất ra thị trường từ 8-10 tấn cá, 12-15 tấn gia cầm, thủy cầm các loại, mang lại doanh thu 700-800 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi 200-250 triệu đồng.

Đây là 2 trong số hàng chục ĐVTN được các cấp bộ đoàn hỗ trợ trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp thời gian qua.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ của đoàn, hội huyện Thanh Liêm đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN để định hướng nghề nghiệp sát với thực tế địa phương; chú trọng xây dựng, biểu dương những mô hình; tổ chức các hội nghị, diễn đàn về “khởi nghiệp” cho thanh niên. Qua đó, tạo cho thanh niên có một khát vọng lập nghiệp và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Hiện tại, các cấp bộ đoàn đang quản lý tốt nguồn vốn 120 của Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH với tổng số dư nợ đạt 31,477 tỷ đồng với trên 1 nghìn đoàn viên, hội viên vay. Năm 2020, Huyện đoàn còn tham mưu với Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện chuyển 500 triệu đồng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho 10 ĐVTN vay vốn khởi nghiệp phát triển kinh tế. Qua đánh giá, 10 mô hình vay vốn khởi nghiệp này đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đang phát triển tốt. Cũng chính từ nguồn vốn này, nhiều ĐVTN đã mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những thanh niên điển hình, tiên tiến.

Có thể nói, với sự nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế của các cấp bộ đoàn huyện Thanh Liêm đã giúp nhiều ĐVTN vững tin trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thông qua đó đã giúp tổ chức đoàn, hội thu hút, đoàn kết, tập hợp được nhiều thanh niên tham gia vào tổ chức, góp phần xây dựng tổ chức đoàn, hội ngày càng vững mạnh.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/xa-hoi/doan-hoi/huyen-doan-thanh-liem-tich-cuc-ho-tro-thanh-nien-khoi-nghiepa-52265.html