Huyện Lạc Sơn: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc

Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà Bùi Thị Dừn, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đã bắt đầu chuẩn bị bình, trấu mới, men… để ủ rượu cần. Thật thú vị là ngoài làm rượu cần, bà Dừn vẫn còn giữ nghề nuôi tằm. Những chiếc kén vàng ươm được bà nâng niu, se sợi, khéo léo dệt thành chiếc cạp váy hoa văn duyên dáng của người phụ nữ Mường. Cũng như gia đình bà Dừn, mỗi hộ sinh sống trên mảnh đất Mường Vang, ngoài việc xây dựng nếp sống gia đình văn minh theo nếp sống văn hóa mới, cũng đều trân trọng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Các nhà văn hóa xóm trên địa bàn xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) được xây mới là nhà sàn bê tông, để giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Các nhà văn hóa xóm trên địa bàn xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) được xây mới là nhà sàn bê tông, để giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Huyện Lạc Sơn có tổng số 34.536 hộ dân, trong đó, dân tộc Mường chiếm 90%. Huyện có 23 xã, 1 thị trấn; 230/270 nhà văn hóa, xóm, phố; 10 nhà văn hóa cấp xã đạt tiêu chí của Bộ VH-TT&DL. 24/24 xã, thị trấn có quỹ đất quy hoạch khu thể thao cấp xã, 56 câu lạc bộ TDTT, 24 đội thông tin tuyên truyền xã, thị trấn.

Là vùng đất văn hóa nổi tiếng của tỉnh, Lạc Sơn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Mường. Từ mái nhà cổ xưa, nét độc đáo của trang phục đến ngôn ngữ Mường, những làn điệu dân ca, âm thanh trầm hùng của cồng chiêng, trống đồng, những áng mo, sử thi chân thực, huyền thoại… Những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc đến nay vẫn được người Mường Vang gìn giữ, phát huy.

Đặc biệt, nhiều năm nay, huyện được biết đến là nơi lưu giữ tốt nhất văn hóa nhà ở của người Mường. Nếu ở các xã vùng cao, vùng xa của huyện, số nhà sàn gỗ còn được giữ lại khá nhiều, thì ở các xã vùng thấp xây dựng ngày càng nhiều những ngôi nhà sàn bằng bê tông. Trong điều kiện khó khăn về nguyên vật liệu làm nhà sàn gỗ, người dân đã sáng tạo ra cách làm nhà sàn theo phương cách hoàn toàn mới. Đó là làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép. Phong trào làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép được khởi nguồn từ xã Tân Mỹ vào những năm 2004 - 2005. Sau đó lan rộng, phát triển trong toàn huyện. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có khoảng hơn 7.000 nhà sàn bằng bê tông cốt thép được xây dựng, nhiều nhất ở các xã: Tân Mỹ, Tân Lập, Ân Nghĩa, Yên Nghiệp, Xuất Hóa, Định Cư...

Cùng với đó, huyện nỗ lực đưa việc truyền dạy chiêng Mường, hát dân ca, mặc trang phục truyền thống vào chương trình giáo dục của các trường học trên địa bàn. Các trường THPT Lạc Sơn, THPT Quyết Thắng đã tổ chức nhiều hội thi trình tấu chiêng Mường, hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc Mường, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, thu hút đông đảo học sinh tham dự. Đến nay, huyện lưu giữ được hơn 3.000 chiêng. Nhiều xã như: Nhân Nghĩa, Ân Nghĩa, Tân Lập, 100% xóm có đội cồng chiêng, đội văn nghệ. Thời gian gần đây, nhiều câu lạc bộ dân ca Mường tại các xã được thành lập, góp phần bảo tồn cũng như đưa câu hát Mường Vang ngày càng vang xa…

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng VH - TT huyện cho biết: Cùng với bảo tồn những nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ. Lễ hội tổ chức theo đúng quy định của Nhà nước, tiết kiệm nhưng vẫn trang trọng, giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo lý, nét đẹp văn hóa trong Nhân dân. Diện mạo các khu dân cư ngày càng khởi sắc. Toàn huyện có 83,1% số hộ đạt gia đình văn hóa, 82,5% khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, 98,06% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/147581/huyen-lac-son-xay-dung-doi-song-van-hoa-gan-voi-bao-ton,-phat-huy-ban-sacdan-toc.htm