Huyện Lạc Thủy xác định kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn

Lạc Thủy là địa phương đi đầu khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, năng suất bình quân đạt trên 100 m3/ha/chu kỳ. Phong trào trồng rừng kinh tế đã phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương có điều kiện.

Người dân xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) chuẩn bị cây giống trồng rừng.

Người dân xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) chuẩn bị cây giống trồng rừng.

Hưng Thi là xã đặc biệt khó khăn của huyện, tuy nhiên đã xác định hướng xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân từ trồng rừng kinh tế. Ông Bùi Văn Nhinh, xóm Khoang, một trong những hộ trồng rừng tiêu biểu theo hướng thâm canh với phương thức lấy ngắn nuôi dài, tuổi rừng trồng trên 7 năm, có khi tới 9 năm, khi đó là rừng gỗ, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Gia đình ông duy trì thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha, đem lại nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thi Lương Văn Đông chia sẻ: Đến nay, trồng rừng kinh tế là hướng phát triển bền vững và phù hợp nhất đối với địa phương. Diện tích rừng sản xuất của toàn xã giữ ổn định 1.434,5 ha. Cứ khai thác hết lại trồng mới luân phiên khoảng 200 ha/năm. Bình quân thu nhập từ rừng đạt 60 - 70 triệu đồng/ha, chi phí trồng rừng khoảng 20 triệu đồng/ha cho công lao động, giống, phân bón. Tính ra, người dân thu về khoảng 50 triệu đồng/ha/một chu kỳ. Năm 2020, toàn xã khai thác 209 ha, thu về hàng tỷ đồng. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, hộ nghèo còn 7,7%. Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Mật độ che phủ của rừng xã đạt 70%, nằm trong tốp đầu của huyện.

Thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư thâm canh, định hướng cho các chủ rừng, hộ gia đình đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh, kinh doanh rừng gỗ lớn. Diện tích rừng thâm canh và khai thác hàng năm khoảng 860 ha (chủ yếu là keo). Diện tích trồng rừng gỗ lớn chiếm 45% tổng diện tích trồng rừng hàng năm (chủ yếu là rừng sản xuất, trồng keo chu kỳ khai thác >7 năm). Sản lượng khai thác hàng năm đạt 100.000 m3 gỗ các loại, cộng thêm điều kiện thuận lợi trong giao thương đường thủy, đường bộ, do đó, giá trị sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất/ha/năm từ kinh doanh rừng sản xuất đạt 17 triệu đồng.

Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh doanh dược liệu dưới tán rừng tại xã Hưng Thi, thị trấn Chi Nê, thị trấn Ba Hàng Đồi. Từ năm 2015 bắt đầu triển khai dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia "Sản xuất thử nghiệm một số cây dược liệu theo hướng dẫn GACP tại huyện Lạc Thủy”, quy mô 70 ha (đối tượng trồng chính là hà thủ ô đỏ, giảo cổ lam, đinh lăng, đẳng sâm…) tại xã Hưng Thi, Thống Nhất. Công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn huyện phát triển khá, tập trung ở lĩnh vực lâm nghiệp là chủ yếu với khoảng 25 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ (băm dăm, ván ép), 1 công ty chế biến măng. Giá trị, chất lượng của rừng từng bước được nâng cao, kinh tế rừng cải thiện đáng kể giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập. Làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì tỷ lệ che phủ tự nhiên của rừng đạt 46,7%. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt 156.643 triệu đồng, chiếm 18% tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy Ngọ Đình Tâm cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng rừng mới với nguyên tắc phát triển rừng để bảo vệ, tạo mọi điều kiện cho các chủ rừng, người dân địa phương tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, tạo thu nhập hợp pháp. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/149914/huyen-lac-thuy-xac-dinh-kinh-te-lam-nghiep-la-mui-nhon.htm