Huyện Lương Sơn: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Những năm gần đây, huyện Lương Sơn phát triển mạnh ngành lâm nghiệp, thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và giải quyết những tồn đọng trong việc giao đất, giao rừng, bảo đảm cho người dân sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Các lực lượng phối hợp tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Cao Sơn (Lương Sơn).

Huyện có 18.767 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm trên 50% diện tích tự nhiên, trong đó, diện tích đất có rừng 14.494 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Nhiều năm nay, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Duy trì công tác phối hợp giữa 3 lực lượng, tổ chức tuần tra, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Năm 2020, các lực lượng phối hợp tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng 64 cuộc với trên 8.000 lượt người tham gia, tuyên truyền qua loa đài phát thanh cho khoảng 30.000 lượt người nghe; thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin dự báo cháy rừng, duy trì hoạt động thường xuyên của 88 tổ quần chúng bảo vệ rừng với 908 thành viên; duy trì trực PCCCR 24/24h vào mùa khô hanh; phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra 100% phương án PCCCR của các xã, thị trấn; thường xuyên chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động báo cáo biến động diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy định…

Hầu hết diện tích đất trồng rừng của người dân đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ranh giới, cơ chế hưởng lợi của người dân rõ ràng, hạn chế được tình trạng khiếu nại xảy ra. Hiện nay, huyện đang tái cấu trúc toàn diện ngành lâm nghiệp, trong đó, tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng, hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu. Nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; xem xét tăng phí để tăng thêm mức thu nhập cho người dân quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch, xây dựng hệ thống đường giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công chế tác gỗ trên địa bàn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thực hiện giao đất, giao rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, rừng lấy gỗ, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Trước mắt, huyện thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung là một trong những tiêu chí để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp phát triển bền vững. Phân định ranh giới quản lý đất rừng và bảo vệ chặt chẽ rừng phòng hộ, rừng đã quy hoạch đưa vào diện an toàn. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong tranh chấp đất đai, tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn cho nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên cùng một diện tích. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hạt Kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng và UBND các xã trong việc thực thi pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn; xử lý nghiêm các vụ việc khai thác lâm sản trái phép, xâm phạm đất rừng phòng hộ và đề phòng cháy rừng trong mùa khô. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng trồng thay thế và phí dịch vụ môi trường rừng, kinh phí cấp chứng chỉ rừng, bảo vệ rừng phòng hộ. Nghiên cứu khoa học, thực nghiệm mô hình trồng cây dược liệu, cây nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sinh trưởng dưới tán rừng, từng bước hỗ trợ, chuyển giao cho các hộ thực hiện trên diện tích đất rừng được giao, bảo đảm phát triển rừng bền vững.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/152165/huyen-luong-son-tang-cuong-quan-ly,-bao-ve-rung.htm