Huyện Nông Cống xây dựng sản phẩm OCOP
Nón lá Trường Giang, miến gạo Thăng Long... hương bài Vạn Thắng, mây tre đan Tân Thọ, gạo tẻ chất lượng cao Quê Hương cùng nhiều sản vật đặc trưng khác tự bao giờ đã trở thành những thương hiệu dân gian của huyện Nông Cống. Để những nông sản trên có thương hiệu là sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền huyện và người dân nơi đây. Do đó, chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được huyện chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; giúp người dân nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Sản phẩm miến gạo Thăng Long được gắn nhãn mác, logo riêng biệt.
Xã Thăng Long được nhiều người dân trong và ngoài huyện biết đến với sản phẩm miến gạo chất lượng cao. Nhờ làm nghề, nhiều gia đình đã có nguồn thu khá và vươn lên làm giàu. Lúc đầu trong xã chỉ có một vài hộ tham gia sản xuất miến gạo, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ trong xã, đến nay nghề làm miến gạo đã trở thành một trong những nghề cho thu nhập chính của nhiều hộ dân tại địa phương. Cả xã hiện có 57 hộ làm nghề sản xuất miến gạo, tập trung nhiều ở các thôn Ngư Thôn, Ân Phú, Tân Giao, tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm miến mỗi năm mang về cho địa phương nguồn thu gần 10 tỷ đồng. Các hộ làm miến ở xã Thăng Long đều có ý thức giữ uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương, không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đầu ra của sản phẩm miến gạo Thăng Long khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều gia đình như hộ anh Đào Văn Hội, Lê Đình Sáu ở thôn Ngư Thôn, Trần Hữu Toàn ở thôn Tân Giao... không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ làm miến và phát triển chăn nuôi. Để tiếp tục nhân rộng, phát triển và xây dựng thành công thương hiệu làng nghề miến gạo Thăng Long, tháng 6-2018, HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long đã được thành lập. Sau khi thành lập, HTX đã tập trung đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các xã viên tham gia. Đồng thời, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm được quan tâm hơn thông qua việc tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ và tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại các địa phương. Sản phẩm miến gạo Thăng Long bày bán được HTX dán nhãn mác với lô gô riêng biệt. Hiện nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long là sản phẩm đầu tiên của huyện Nông Cống đạt 51 điểm, đủ điều kiện 3 sao, đang làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Anh Đồng Minh Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống, cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện Nông Cống đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Cùng với việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết các sản phẩm đặc trưng, như: Miến gạo Thăng Long, nón lá Trường Giang, gạo tẻ Quê Hương... huyện tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Ngoài sản phẩm miến gạo Thăng Long, đến năm 2020, huyện phấn đấu có thêm sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, gồm: Nón lá Trường Giang, hương bài Vạn Thắng và gạo VietGAP xã Trường Sơn và xã Tượng Văn. Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các HTX, hộ dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Mỗi người sản xuất đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Có thể khẳng định, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-nong-cong-xay-dung-san-pham-ocop/112319.htm