Huyện Triệu Phong đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

Năm 2021, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong chủ động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt 'mục tiêu kép', vừa quyết liệt phòng, chống COVID-19, vừa duy trì, phát triển kinh tế- xã hội nên đã đạt được 15/17 chỉ tiêu đề ra. Theo đó, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 5.690,051 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.775,995 tỉ đồng, tăng 17%, so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 632,524 tỉ đồng, đạt 151% dự toán tỉnh giao, 147% dự toán huyện giao. Có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tạo việc làm mới cho 2.430 lao động, vượt 630 lao động so với kế hoạch đề ra. Tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 theo tiêu chuẩn cũ còn 2,96%. Các tiềm năng, lợi thế của địa phương được khai thác đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,7 triệu đồng/năm.

 Công ty may Hòa Thọ- Triệu Phong giải quyết việc làm cho gần 800 lao động tại địa phương - Ảnh: N.V

Công ty may Hòa Thọ- Triệu Phong giải quyết việc làm cho gần 800 lao động tại địa phương - Ảnh: N.V

Để đạt được kết quả đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, UBND huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo các cơ quan, địa phương chủ động trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn khung thời vụ. Nhờ đó, tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 11.524 ha, đạt 100,7% kế hoạch, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm hơn 78,5%. Năng suất lúa thu hoạch bình quân đạt 58,9 tạ/ ha, tăng 1,3 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng thóc đạt 67.695,9 tấn, bằng 104,6% kế hoạch đề ra.

Các mô hình nông nghiệp sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được đẩy mạnh và nhân rộng mang lại hiệu quả cao. Đến nay đã phát triển 52 ha lúa canh tác tự nhiên ở nhiều xã cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên vật nuôi, nhiều địa phương chủ động đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển quy mô lớn áp dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 51 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó 36 trang trại quy mô nhỏ, 13 trang trại quy mô vừa, 2 trang trại quy mô lớn.

Đồng thời để khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi theo Đề án 6060 ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện, đã có 46 hộ chăn nuôi đăng ký vay vốn với số tiền trên 4,8 tỉ đồng, nhờ đó đã đưa đàn gia súc, gia cầm tăng cao, trong đó riêng đàn gia cầm đạt 725.000 con, tăng 165.000 con so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Triệu Phong đẩy mạnh phát triển công nghiệp- TTCN. Theo đó, trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND huyện triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất vượt qua khó khăn duy trì hoạt động sản xuất. Hiện nay, Cụm công nghiệp Ái Tử có 11 DN đầu tư dự án, trong đó có 7 dự án sản xuất, kinh doanh ổn định, thu hút trên 500 lao động. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 5 DN đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, 13 DN được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, trong đó có 9 DN đã được phê duyệt thiết kế cơ sở, triển khai xây dựng dự án, 2 DN được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đang lập thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mặt khác, phát huy lợi thế nằm giữa hai đô thị là thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, có nhiều trục đường lớn, nhiều khu dân cư đông, danh lam thắng cảnh đẹp, UBND huyện Triệu Phong đề ra nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng để phát triển thương mại- dịch vụ- du lịch. Theo đó, hệ thống chợ được nâng cấp, xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả.

Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, trong đó huyện Triệu Phong chú trọng quy hoạch bố trí quỹ đất, kêu gọi đầu tư phát triển thương mại- dịch vụ dọc Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện thu hút nhiều DN đầu tư vào kinh doanh ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng. Huyện Triệu Phong cũng đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận hàng hóa trong đó có “Gạo sạch Triệu Phong” và nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng được thị trường ưa chuộng. Hiện toàn huyện có hơn 30 DN, hơn 2.900 hộ kinh doanh cá thể thu hút hơn 10.000 lao động. Với cách làm này nên giá trị thương mại - dịch vụ năm 2021 của huyện đạt 2.256,949 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm 2020.

Để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, UBND huyện Triệu Phong tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục tập trung thu hút dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mai- dịch vụ đã quy hoạch.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Phát triển thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, kho bãi, vận tải. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Theo đó, phấn đấu năm 2022 đưa tổng giá trị sản xuất các ngành tăng trưởng 13 - 14%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63 - 65 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.978 tỉ đồng. Phấn đấu công nhận thêm 2- 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tạo việc làm mới cho 1.850 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 200 người. Giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%...

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164027&title=huyen-trieu-phong-day-manh-tang-truong-kinh-te