HV Quản lý giáo dục: Số bài báo thuộc Scopus hạn chế, không có nguồn thu từ NCKH

Trung bình 1 năm, học viện có 15 bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí quốc tế, những chỉ có khoảng 5 bài đăng trên tạp chí khoa học nằm trong danh mục Scopus.

Theo thông tin trên website của Học viện Quản lý Giáo dục (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) một trong những nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ giảng viên là tham gia nghiên cứu và công bố công trình nghiên cứu khoa học; đào tạo, hỗ trợ và liên kết chuyên môn với các đơn vị trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục,...

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Tiến sĩ Phan Hồng Dương - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, việc đấu thầu để thực hiện các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; thu hút giảng viên về công tác; khuyến khích giảng viên công bố bài báo khoa học trên tạp chí khoa học thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín,... đang là một số khó khăn đối với Học viện Quản lý giáo dục.

Số lượng giảng viên chức danh giáo sư khiêm tốn

Về đội ngũ giảng viên, theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, học viện có tổng số 88 giảng viên cơ hữu, trong đó có 2 giảng viên chức danh giáo sư, 8 giảng viên chức danh phó giáo sư; 34 giảng viên trình độ tiến sĩ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Hồng Dương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, học viện có tổng số 82 giảng viên toàn thời gian. Trong đó, có 2 giảng viên chức danh giáo sư, 5 giảng viên chức danh phó giáo sư, 35 giảng viên trình độ tiến sĩ.

Ngoài ra, hàng năm, học viện chỉ có từ 1-2 giảng viên đến thỉnh giảng trong những trường hợp có giảng viên cơ hữu của học viện nghỉ chế độ thai sản.

Như vậy, từ năm học 2022-2023 đến thời điểm hiện tại, tổng số giảng viên cơ hữu của học viện giảm 6 người (từ 88 giảng viên giảm còn 82 giảng viên), trong đó, số giảng viên chức danh phó giáo sư giảm 3 người (từ 8 giảng viên giảm còn 5 giảng viên).

 Nguồn ảnh: Mai Quyết

Nguồn ảnh: Mai Quyết

Theo Điểm b, Tiêu chí 2.3, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ: “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”. Bàn về nội dung này, thầy Dương cho hay, với số lượng giảng viên hiện tại, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ toàn thời gian của học viện là 51,2%. Do đó, so với tiêu chí 2.3, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của học viện đang ở mức trên chuẩn.

"Học viện vẫn sẽ tiếp tục cử giảng viên đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Và hiện tại, học viện đã cử 15 giảng viên đi làm nghiên cứu sinh ở các đơn vị trong và ngoài nước", thầy Dương chia sẻ.

Để khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, học viện cũng đã thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ 120 triệu đồng cho giảng viên trình độ tiến sĩ khi về học viện công tác. Ví dụ, nếu học viện thu hút được giảng viên trình độ tiến sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng,... về học viện giảng dạy, học viện sẽ hỗ trợ mỗi giảng viên 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, đối với giảng viên cơ hữu hiện nay, học viện hỗ trợ 120 triệu đồng/giảng viên khi được công nhận chức danh giáo sư và 60 triệu đồng/giảng viên khi được công nhận chức danh phó giáo sư. Đánh giá về mức hỗ trợ kể trên, thầy Dương cho biết, học viện mong muốn thưởng, hỗ trợ nhiều hơn cho giảng viên nhưng chỉ có thể thực hiện trong điều kiện của học viện.

Một trong những nội dung được đề cập trên website là giảng viên của học viện có tham gia nghiên cứu khoa học, công trình được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thầy Dương cho biết, số lượng bài báo khoa học của học viện được đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín (Web of Science hoặc Scopus) còn khiêm tốn.

Đạt chuẩn tỷ lệ GV tiến sĩ nhưng chỉ có 5 bài báo/năm được đăng trên tạp chí thuộc Scopus

Liên quan đến hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tiêu chí 6.2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm”.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Dương thông tin, đối với Học viện Quản lý Giáo dục, những năm gần đây, số lượng công bố khoa học và công nghệ của học viện vào khoảng 100 bài/năm, tương đương với 1,1 bài/năm/giảng viên. Lợi thế của học viện là có tạp chí khoa học được tính điểm khoa học (0,75 điểm). Do đó, giảng viên ngoài đăng bài báo khoa học, công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học của đơn vị khác thì còn có thể đăng bài báo khoa học trên tạp chí của học viện.

Tuy nhiên, với số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian như hiện nay, học viện mong muốn nâng cao hơn nữa vì nếu 1 giảng viên chỉ viết 1 bài báo khoa học/năm thì còn ít.

Theo thầy Dương, định hướng của học viện là trở thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu nên học viện sẽ tiến tới tăng số lượng bài báo khoa học, công bố sản phẩm nghiên cứu khoa học bằng bài báo.

Về số lượng bài quốc tế, trung bình 1 năm, học viện có 15 bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín, những chỉ có khoảng 5 bài được đăng trên tạp chí khoa học nằm trong danh mục Scopus, con số này là không nhiều.

Học viện luôn khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học các cấp để vừa chuyển kết quả nghiên cứu thành bài báo khoa học, vừa làm các hoạt động khác để nâng cao nghiệp vụ. Với mỗi bài báo khoa học của giảng viên được đăng tải trên tạp chí nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín, học viện thưởng 5 triệu đồng/bài/giảng viên. Mức tiền thưởng này có phần hạn chế vì còn phụ thuộc vào ngân sách của học viện.

Chỉ ra một số khó khăn trong việc đăng tải bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín, thầy Dương cho rằng, Học viện Quản lý giáo dục có một số ngành đào tạo mới mở như Ngôn ngữ Anh - là ngành rất khó đăng bài báo quốc tế; giảng viên các ngành Quản trị văn phòng, Kinh tế cũng rất tích cực viết bài báo khoa học nhưng để lựa chọn bài báo để đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế thì cũng gặp nhiều khó khăn do đặc thù nghiên cứu, ngành nghề. Do đó, những bài báo khoa học của học viện được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín thường là ngành Quản lý giáo dục, tâm lý học giáo dục.

Nhằm tháo gỡ khó khăn này, theo thầy Dương, giải pháp căn cốt nhất là bên cạnh cải cách về mặt hành chính, học viện mong muốn mỗi giảng viên cần nâng cao trách nhiệm trong hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; học viện tăng mức tiền thưởng cho giảng viên có bài báo khoa học quốc tế và cố gắng mức thưởng sẽ bằng, cao hơn so với mức chi phí đăng bài của giảng viên.

Về nguồn thu, theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, tổng thu của học viện năm 2022 là hơn 109 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là hơn 45 tỷ đồng; thu từ học phí là hơn 25 tỷ đồng; thu từ nguồn thu hợp pháp khác hơn 38 tỷ đồng. Đáng nói, học viện không có thông tin về nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết, theo số liệu tài chính năm 2023 (mới nhất), tổng thu của học viện vào khoảng 78 tỷ đồng. Trong đó, thu từ hoạt động hành chính sự nghiệp là 30,5 tỷ đồng; thu từ các hoạt động sản xuất dịch vụ là 47,1 tỷ đồng; thu từ tài chính là 500 triệu đồng.

Theo thầy Dương, Học viện Quản lý giáo dục là cơ sở giáo dục đại học mới chỉ tự chủ một phần. Nguồn thu chủ yếu của học viện đến từ công tác đào tạo, bồi dưỡng (nằm trong nguồn thu từ hoạt động sản xuất dịch vụ). Tuy nhiên, hiện nay công tác bồi dưỡng của học viện phải đối mặt với nhiều khó khăn do có nhiều cơ sở, đơn vị cũng mở lớp bồi dưỡng, phải thực hiện đấu thầu nên đơn vị nào bỏ giá thấp thì dễ trúng thầu. Trong khi đó, quan điểm của học viện luôn là hướng tới chất lượng đào tạo bồi dưỡng và nếu giảm giá thầu xuống quá thấp so với trần thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Chính vì thế, học viện cũng gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh đấu thầu, tạo nguồn thu từ hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

Mai Quyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hv-quan-ly-giao-duc-so-bai-bao-thuoc-scopus-han-che-khong-co-nguon-thu-tu-nckh-post246082.gd