Hy hữu: 1 bé gái được cấp 2 giấy khai sinh
Sở Tư pháp TP đã xác minh và kết luận một nơi cấp sai nên đề nghị phòng tư pháp tham mưu cho UBND quận thu hồi, hủy bỏ giấy này.
Từ khi ông HĐN bế đứa con chung mới sinh đi Hà Nội thì vợ ông là bà CNT (ngụ phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) không còn biết tin tức gì về bé gái. Bà T. cầu cứu nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giúp đỡ, trong đó có Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM. Thực tế còn rắc rối hơn khi bé gái này đang có hai giấy khai sinh với hai cái tên khác nhau.
Đứa trẻ vuột khỏi vòng tay mẹ
Theo đơn kêu cứu của bà T., năm 2018, sau khi kết hôn, vợ chồng bà sống tại căn chung cư do ông N. đứng tên ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Bà bị suy thận mạn tính và cao huyết áp nên khi mang thai bác sĩ cảnh báo nguy hiểm nhưng bà quyết giữ lại con. Quãng thời gian này, ông N. không chia sẻ khó khăn với bà khiến tình cảm vợ chồng ngày càng phai nhạt, cuộc sống hôn nhân nhiều bất hòa.
Khi con được một tháng tuổi, trong một lần vợ chồng cãi nhau, bà T. bị chồng đuổi ra khỏi nhà lúc nửa đêm. Quyết liệt mang con đi cùng không được, bà đành tạm lánh về nhà mẹ đẻ, định sáng hôm sau qua đón con. Tuy nhiên, khi bà trở về nhà thì ông N. đã bế con gái về nhà người thân ở phường 13, quận Phú Nhuận mà không báo cho bà biết.
Những ngày sau đó bà T. không được gặp con nên bà đã gửi đơn phản ánh đến công an và UBND phường 13, quận Phú Nhuận. Chiều ngày 24-7-2019, UBND phường 13 mời vợ chồng bà đến hòa giải. Tại đây ông N. cho biết khi nào bé đủ ba tháng 10 ngày thì sẽ giao hẳn để cho vợ chăm sóc. Kể từ đó, mỗi ngày bà T. lại đến nhà chồng để chăm con.
Giữ đúng lời hẹn, tháng 8-2019, khi bé gái được ba tháng tuổi, ông N. soạn biên bản bàn giao con cho vợ. Nhưng một tháng sau, do sức khỏe không đảm bảo nên bà T. phải nhập viện. Vì nghĩ không ai có thể chăm sóc con tốt hơn cha nên bà T. lại nhờ chồng chăm con trong những ngày nằm viện.
Vì thế ông N. lại làm biên bản nhận con và chăm con cho đến khi nào sức khỏe của vợ ổn định. Tuy nhiên, sau khi bà T. khỏe lại thì ông N. lại đổi ý không giao con cho vợ theo cam kết.
Cha làm khai sinh trước, mẹ làm sau
Trước đó, vào ngày 1-7-2019, ông N. đã đến UBND phường 13, quận Phú Nhuận làm giấy khai sinh cho con gái mang tên Hoàng Gia H. 10 ngày sau, UBND phường 13 gửi văn bản đến UBND phường Bến Nghé (quận 1, nơi bà T. có hộ khẩu thường trú) thông báo việc đã đăng ký giấy khai sinh cho cháu bé.
Bà T. trình bày do bà không biết chồng đã làm giấy khai sinh cho con nên bà đã đến BV Từ Dũ xin cấp lại giấy chứng sinh. Hồ sơ lưu tại BV Từ Dũ thể hiện, bà T. có đơn xin cấp lại giấy chứng sinh của con gái với lý do đã làm mất.
Đơn xin cấp lại được lãnh đạo phường Bến Nghé, quận 1 ký xác nhận cháu bé chưa làm giấy khai sinh, theo trình bày của bà T. Ngày 9-7-2019, bà T. đến UBND phường Tân Hưng (quận 7, nơi bà tạm trú) làm giấy khai sinh cho con gái, đặt tên bé là Hoàng Cao Bảo C.
Tiếp đó ngày 23-12-2019, bà T. làm đơn gửi TAND huyện Nhà Bè khởi kiện yêu cầu ba nội dung: Ly hôn với ông N.; yêu cầu ông N. trả lại con chung cho bà trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và hủy một trong hai giấy khai sinh đang tồn tại. Đơn khởi kiện của bà T. được TAND huyện thụ lý giải quyết.
“Thế nhưng từ ngày 27-12-2019 đến nay, đột nhiên ông N. bế con đi đâu, tôi liên lạc khắp nơi không có tin tức gì. Tôi vô cùng hoảng loạn và đã yêu cầu TAND huyện Nhà Bè áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc chồng phải giao con cho tôi chăm sóc” - bà T. kể.
Tòa chấp nhận yêu cầu khẩn cấp tạm thời của bà T. và cơ quan thi hành án (THA) ra quyết định thi hành ngay. Ngày 10-1, bà T. cùng chi cục THA huyện đến nơi ông N. sinh sống tại Nhà Bè thì không thấy. Bà T. cùng Chi cục THA Nhà Bè và THA Phú Nhuận đến nhà chị ông N. tại phường 13 thì được biết ông đã đưa con ra Hà Nội.
Hai nơi cấp giấy khai sinh nói gì?
Để tìm hiểu thông tin, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với hai nơi cùng cấp giấy khai sinh cho cháu bé.
Bà Nguyễn Ngọc Minh Trang, Chủ tịch UBND phường 13, quận Phú Nhuận, cho biết sáng 1-7-2019, ông N. đến UBND phường mang đầy đủ giấy tờ nên cán bộ tư pháp phường đã cấp giấy khai sinh và bảo hiểm y tế cho cháu bé mang tên Hoàng Gia H. Sau đó, UBND phường 13 đã gửi văn bản đến nơi thường trú của mẹ cháu bé ở UBND phường Bến Nghé, quận 1 để thông báo việc đã làm giấy khai sinh.
Thực tế cho thấy dù giấy khai sinh của cháu bé đã được làm tại phường 13 (quận Phú Nhuận) nhưng khi bà T. xin cấp giấy khai sinh, cán bộ, công chức tư pháp phường Tân Hưng (quận 7) nhập dữ liệu thì phần mềm không hiện thông tin cảnh báo.
Trả lời vấn đề này, một chuyên viên hộ tịch quận 7 lý giải: “Chúng tôi không thể khẳng định lỗi do hệ thống dữ liệu hay do cán bộ cố tình bỏ qua cảnh báo. Bởi qua kiểm tra hồ sơ lưu cho thấy phường Tân Hưng thực hiện đúng quy trình đăng ký giấy khai sinh cho cháu bé”.
Theo chuyên viên này, khi làm giấy khai sinh, cán bộ hộ tịch phải cập nhật thông tin đầy đủ của cha và mẹ cháu bé. Nhưng luật cũng cho phép chỉ cần nhập thông tin của một người và năm sinh của người còn lại…
Sở Tư pháp: Hủy giấy khai sinh cấp sau
Ngày 25-3 vừa qua, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản gửi Phòng Tư pháp quận 7 về vụ việc này. Theo văn bản, sau khi nhận được thông tin về sự việc, Sở Tư pháp tiến hành xác minh, kiểm tra các tài liệu kèm theo báo cáo xác minh hộ tịch của Phòng Tư pháp quận Phú Nhuận. Sở thống nhất với nhận xét của Phòng Tư pháp quận Phú Nhuận việc đăng ký khai sinh cho trẻ Hoàng Gia H. tại UBND phường 13, quận Phú Nhuận là đúng theo quy định của Luật Hộ tịch.
Văn bản nêu theo khoản 4 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 12 Luật Hộ tịch thì mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền. Nghiêm cấm các hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, cam đoan, làm chứng sai sự thật để đăng ký hộ tịch. Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định nói riêng trên đều không có giá trị và phải thu hồi, hủy bỏ.
Đối với hồ sơ đăng ký khai sinh tại UBND phường Tân Hưng, quận 7 có giấy chứng sinh của trẻ được lưu trong hồ sơ là giấy chứng sinh bổn nhì (tức giấy chứng sinh cấp lần hai) do BV Từ Dũ cấp. Xác minh phía BV Từ Dũ cho thấy bà T. đã cố tình cung cấp sai sự thật là bị mất giấy chứng sinh để được BV cấp giấy chứng sinh bổn nhì. Sau đó, bà T. dùng giấy chứng sinh bổn nhì đăng ký giấy khai sinh cho trẻ tại UBND phường Tân Hưng.
Trong khi đó, giấy chứng sinh bản chính của trẻ không bị mất và được cha cháu bé giữ và làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại UBND phường 13, quận Phú Nhuận.
Nhằm đảm bảo nguyên tắc đăng ký hộ tịch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em, căn cứ Điều 70 Luật Hộ tịch, Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp quận 7 tham mưu, trình UBND quận 7 thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh do UBND phường Tân Hưng, quận 7 cấp cho cháu bé.
BV Từ Dũ: Cấp lại giấy chứng sinh đúng
ThS-BS Trần Thị Ngọc, Phó Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ, cho biết: Theo quy định, khi mẹ và bé chuẩn bị xuất viện thì cha cháu bé hoặc người thân có thể lấy giấy chứng sinh cho bé nếu người đó mang đầy đủ giấy cần thiết theo quy định của BV.
Trường hợp này, ông N. (chồng bà T.) là người đi lấy giấy chứng sinh và hoàn tất các thủ tục xuất viện cho vợ con vào ngày 22-5-2019.
Ngày 5-7-2019, bà T. đến BV Từ Dũ làm đơn xin cấp lại giấy chứng sinh. Trong đơn bà T. khẳng định giấy chứng sinh của cháu bé bị mất, bà cam kết chịu trách nhiệm về lời khai trước pháp luật. Đơn xin cấp lại giấy chứng sinh của bà T. có xác nhận của công an địa phương về việc con bà chưa làm giấy khai sinh.
Vì bà T. đã cung cấp đầy đủ thủ tục, yêu cầu của BV nên BV đã tiến hành cấp lại giấy chứng sinh (bản cấp lại) theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/hy-huu-1-be-gai-duoc-cap-2-giay-khai-sinh-902152.html