Hy sinh thầm lặng của người lính chữa cháy, cứu nạn

'Bước ngoặt cuộc đời tôi là vào một ngày của năm 2002, khi nhận một thông báo tang thương: anh trai tôi đã mất trên chuyến xe khách gặp sự cố cháy nổ vì chở đầy thuốc pháo. Từ đau buồn ngày đó, tôi đã đổi nguyện vọng thi đại học, quyết tâm trở thành chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ', Trung tá Phạm Văn Túc, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an quận 5 (TPHCM) nhớ lại.

Yêu nghề ngay từ những tiết học đầu tiên

Chúng tôi gặp Trung tá Phạm Văn Túc tại trụ sở Đội PCCC-CNCH, Công an quận 5 vào hơn 19 giờ, khi anh vừa hoàn thành công việc.

Từ khi theo học tại Trường Đại học Cảnh sát PCCC, đến nay, Trung tá Phạm Văn Túc đã có 21 năm vừa học tập, vừa chiến đấu trong nghề PCCC-CNCH. Nhưng khi nhắc đến nghề, anh vẫn hào hứng như những ngày ở tuổi mười tám, hai mươi: “Ngày 12-9-2003, khi lần đầu tiên được mặc bộ đồ của ngành công an, tôi và bạn bè chung khóa đều không ngủ được. Chúng tôi tự hào và yêu nghề ngay từ những tiết học đầu tiên”.

Tham gia hơn 200 vụ chữa cháy và CNCH với các chức vụ, đơn vị công tác khác nhau, đã có những lần thực hiện nhiệm vụ khiến anh nhớ mãi. Đó là vụ cháy xảy ra vào ngày 11-6-2022 tại tiệm bánh Papa Dela Famille trên đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, TP Thủ Đức).

 Thiếu tá Nguyễn Hiệp Hòa trong một buổi huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: NVCC

Thiếu tá Nguyễn Hiệp Hòa trong một buổi huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: NVCC

Khoảng 4 giờ 55 phút, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TPHCM nhận tin báo cháy. Lập tức 4 xe cùng 26 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường. Đến nơi, tổ trinh sát nắm tình hình xác định có 4 người được người dân hỗ trợ, đã thoát ra ngoài an toàn, còn 7 người vẫn mắc kẹt bên trong.

“Khói đã bao trùm cả gác lửng. Cầu thang cực kỳ nhỏ hẹp, người chỉ huy phải chạy đua với thời gian để đưa ra quyết định. Tôi đã triển khai 2 mũi, một băng qua lửa với các biện pháp nghiệp vụ làm mát và một mũi ở dưới hỗ trợ. Cứu được toàn bộ 7 người, cả đội mừng rơi nước mắt”, anh Túc chia sẻ.

Hay vào năm 2021, Đội Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TP Thủ Đức - đơn vị anh Túc đang công tác vào thời điểm đó - giải cứu thành công một nhân viên y tế bị kẹt trong thang máy tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 (chung cư C8 Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) cũng khiến anh nhớ mãi.

Anh Túc kể, khoảng 18 giờ tối ngày 3-11-2021, khi nhận tin báo động có một người kẹt trong thang máy, cả đội chưa biết đây là khu vực điều trị Covid-19 với nguy cơ lây nhiễm rất cao. “Khi biết tin đội sẽ đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, thực lòng anh em cũng có chút hoang mang. Đi vào tâm dịch thì sợ chứ, nhưng tất cả sẵn sàng cứu người”, Trung tá Phạm Văn Túc nhớ lại.

Ở đơn vị, Trung tá Phạm Văn Túc là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ học tập về tinh thần học hỏi không ngừng và nỗ lực cống hiến. Khi nhận công tác tại Đội PCCC-CNCH, Công an quận 5, anh đã chủ động học tiếng Hoa để giao tiếp và tuyên truyền về công tác PCCC cho bà con. Trung tá Phạm Văn Túc và Ban chỉ huy đội cũng thường xuyên động viên các chiến sĩ trẻ luôn thực hiện nhiệm vụ bằng tình yêu ngành, mến nghề, quyết tâm “giữ cái còn trong cái mất”.

Tình người, tình đồng đội

Hẹn gặp Thiếu tá Nguyễn Hiệp Hòa, cán bộ Đội Chữa cháy và CNCH, Phòng PC07, Công an TPHCM vào ngày 1-10, chúng tôi bất ngờ vì hôm ấy cũng là ngày đặc biệt với anh: 17 năm trước, anh chính thức trở thành chiến sĩ của lực lượng PCCC-CNCH.

Dù đã tham gia cứu nạn hàng trăm vụ việc, Thiếu tá Hòa vẫn lặng người khi nhắc lại những vụ cháy thương tâm, trong đó có vụ cháy tại quán karaoke An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào năm 2022. Thiếu tá Nguyễn Hiệp Hòa nhớ lại, chiều 7-9-2022, tổ cán bộ, chiến sĩ chi viện của Phòng PC07, Công an TPHCM được điều động đến hiện trường để phối hợp lực lượng PCCC tỉnh Bình Dương tiếp tục công tác tìm kiếm nạn nhân.

Khi đứng trước phòng của một nhà vệ sinh có cánh cửa bị bo tròn, với kinh nghiệm nhiều năm công tác, Thiếu tá Nguyễn Hiệp Hòa xác định bên trong có nạn nhân. “Dùng thiết bị cạy cửa nhà vệ sinh, tôi thấy 6 nạn nhân tử vong trong tư thế ôm lấy nhau, hết sức thương tâm”, Thiếu tá Hòa xót xa kể lại.

Sẵn sàng lao vào điểm nóng

Trước những khó khăn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải sau thảm họa động đất vào sáng 6-2-2023, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng lên đường hỗ trợ nước bạn tìm kiếm các nạn nhân. Trong lực lượng sang hỗ trợ nước bạn, Phòng PC07, Công an TPHCM đã cử 5 cán bộ có kinh nghiệm trong CNCH tham gia đi ứng cứu, gồm: Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội 3; Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, cán bộ Đội Khu vực 1; Đại úy Nguyễn Trường Nam, cán bộ Đội 3; Thượng úy Nguyễn Văn Trung, cán bộ Đội 3; Thượng úy Nguyễn Nhật Phương, cán bộ Đội 3. Đây là 5 cán bộ đã trực tiếp tham gia rất nhiều vụ CNCH trên toàn quốc và cứu sống được hàng trăm nạn nhân.

Là người trực tiếp đưa nạn nhân còn sống sót ở độ sâu 7m ra khỏi đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể: “Tôi được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân. Lúc đó, không thể dùng máy móc tiếp cận vì sẽ gây nguy hiểm cho nạn nhân. Cách duy nhất là đào hang chui vào, dù rất nguy hiểm nhưng phải chấp nhận”.

Với quyết tâm cao, Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã khắc phục khó khăn, vượt qua những nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bản thân anh trực tiếp phát hiện, đưa được 1 nạn nhân khoảng 14 tuổi ra khỏi khối bê tông, đồng thời tham gia tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài.

Đặc thù tổ công tác có nhiều chiến sĩ tuổi đời và tuổi nghề đang rất trẻ, Thiếu tá Nguyễn Hiệp Hòa là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho đồng đội. “Ở hiện trường quán karaoke An Phú, nhiều chiến sĩ trẻ phải tiếp xúc với 17 thi thể đã bắt đầu hực mùi và trong điều kiện cháy mút xốp, đồ nhựa độc hại…, mặt mấy em cứ phờ ra. Tôi phải kéo các em ra cửa, nói “thở đi mấy đứa” rồi lấy nước cho uống”, Thiếu tá Hòa nhớ lại.

Nhận xong cuộc điện thoại từ vợ, Thiếu tá Hòa tâm sự: “Khi quen nhau, vợ tôi chỉ biết tôi làm phòng cháy, nghĩ tôi ở tổ lái xe hoặc đứng xịt vòi nước như hay thấy trên tivi. Sau này cưới nhau rồi, vợ mới biết tôi làm cứu nạn, cứu hộ, thường xuyên tiếp xúc thi thể và công việc nguy hiểm hơn nhiều.

Thời gian đầu, vợ khuyên tôi đổi mảng công tác miết, nhưng đã gắn bó với nghề này lâu dài, không bỏ được, nên tôi hứa với vợ sẽ cẩn thận nhất có thể. Vợ cũng yên tâm và ủng hộ hơn”. Có một ngày, vợ anh kể rằng đứa con lớn đã chạy đi khoe với bạn bè khắp xóm “ba mình là lính cứu hỏa, ba đi cứu người”, anh đã khóc. Nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của gia đình và trở thành niềm tự hào của các con, mọi khó khăn vất vả trong anh đều tan biến.

Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn TPHCM xảy ra 367 vụ cháy; làm chết 14 người, bị thương 17 người. Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, Công an TPHCM, chia sẻ, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH trong 234/367 vụ cháy và đã tiếp nhận yêu cầu tìm kiếm, CNCH đối với 150 vụ tai nạn, sự cố. Qua đó, đã trực tiếp cứu sống 130 người, hướng dẫn 22 người tự thoát nạn, tìm được 28 thi thể nạn nhân.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, nhiều năm qua, công tác PCCC-CNCH trên địa bàn TPHCM đã thu hút sự tham gia của toàn dân. Nhiều tấm gương dũng cảm cứu người trong các vụ cháy xuất hiện, phát huy tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống giặc lửa”.

Trong đó, có thể kể đến gương cá nhân ông Phạm Trường Hận (sinh năm 1982, ngụ quận 12) đã cùng ông Cao Thành An (sinh năm 1998, ngụ TP Thủ Đức) và ông Trần Ngọc Quý (sinh năm 1979, ngụ quận 12) phá rào chắn, ứng cứu 3 người ra khỏi đám cháy xảy ra tại nhà dân vào ngày 4-7-2002 tại phường Thới An, quận 12; tập thể Ban Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) đã thành lập tổ phản ứng nhanh, thực tập, huấn luyện các tính huống cấp cứu nạn nhân, chữa cháy kịp thời vào “giờ vàng” khi có sự cố xảy ra… kịp thời dập tắt nhiều vụ cháy...

Để giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Đại tá Huỳnh Quang Tâm khuyến cáo công tác PCCC phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, để ngày 4-10-2024 - “Ngày toàn dân PCCC” thực sự có ý nghĩa thì mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân phải tích cực tham gia và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia công tác PCCC.

THU HOÀI - CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hy-sinh-tham-lang-cua-nguoi-linh-chua-chay-cuu-nan-post762003.html