Ia Pa: Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nên hoạt động khai thác khoáng sản ở huyện Ia Pa (Gia Lai) đã dần đi vào nền nếp.
Qua điều tra của ngành chuyên môn, huyện Ia Pa có một số loại đá và khoáng vật gồm: thiếc ở xã Ia Tul, đá granite xây dựng ở xã Ia Ma Rơn, đất sét làm gạch ngói ở xã Ia Trok, Ia Broăi và cát xây dựng ở khu vực ven sông Ba phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình tại địa phương và các huyện, thị xã lân cận. Hầu hết điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện đã được quy hoạch, lập bản đồ, tổ chức thăm dò trữ lượng và đưa vào quản lý. Việc khai thác vật liệu xây dựng chủ yếu là cát đã được UBND tỉnh tổ chức đấu thầu, cấp phép. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 khu vực mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Pa, hầu hết các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn đều chấp hành nghiêm quy định về khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ khai thác khoáng sản trái phép với quy mô nhỏ lẻ xảy ra nhưng đều đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Điển hình như vào tháng 6-2018, tại khu vực sông Ba thuộc xã Chư Mố, lực lượng chức năng của huyện kiểm tra và phát hiện hoạt động khai thác cát khi chưa được UBND tỉnh cấp phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ hoạt động khai thác cát xây dựng trái phép; đồng thời UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng UBND xã Chư Mố xác minh chủ sử dụng phương tiện khai thác cát trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật.
Xã Ia Broăi có 1 mỏ cát xây dựng ở dọc sông Ba, đoạn hạ nguồn cầu Bến Mộng. Đây là mỏ cát đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hương. Ông Bùi Văn Ngọc-Chủ tịch UBND xã Ia Broăi-cho hay: Lãnh đạo UBND xã và các ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Quan điểm của xã là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhưng kiên quyết chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, không để hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân địa phương.
Tương tự, xã Ia Tul có 1 mỏ thiếc được UBND tỉnh cấp phép cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai khai thác (sau này sang nhượng lại cho 1 đơn vị khác ở Hà Nội) và 1 mỏ cát trên sông Ba, đoạn thượng nguồn cầu Bến Mộng được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hương khai thác. Ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã Ia Tul-cho biết: Những năm trước, thi thoảng xảy ra hoạt động khai thác trái phép với quy mô nhỏ lẻ, gây ảnh hưởng đến đường đi và đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát đã được quản lý chặt chẽ, đi vào nền nếp. Các công ty được phép khai thác cát trên địa bàn cũng đã có nhiều cố gắng tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Trên thực tế, hoạt động khai thác cát xây dựng nói riêng, khai thác khoáng sản nói chung trên địa bàn huyện Ia Pa cũng còn đặt ra nhiều vấn đề. Tại phía thượng nguồn và hạ nguồn sông Ba, đoạn gần cầu Bến Mộng, 2 bãi cát của Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hương hoạt động rầm rộ, máy hút cát vang rền. Hàng ngày có mấy chục xe tải xuống chở cát phục vụ cho các huyện lân cận và cả chở sang huyện Ea HLeo (tỉnh Đak Lak). Việc khai thác cát với quy mô lớn, dùng máy hút, vòi rồng “đục khoét” đáy sông để lấy cát lâu ngày có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn chân cầu Bến Mộng cũng như kè bờ Tây sông Ba mới được xây dựng gần đó.
Ông Nguyễn Xuân Liêm-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Pa-nhận định: Những năm gần đây, công tác phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã được các cấp, các ngành quan tâm. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật như: khai thác đúng thiết kế, ký quỹ phục hồi môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, đề cao kinh doanh khoáng sản gắn với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội của huyện... “Việc UBND tỉnh tổ chức đấu thầu cấp phép khai thác đã đưa hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát xây dựng đi vào nền nếp. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương đã được tăng cường góp phần hạn chế các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại đang được địa phương và các ngành chức năng tập trung tháo gỡ như: việc xe vận chuyển cát tải trọng lớn lưu thông trên đường bê tông phía Đông sông Ba gây hư hại nền đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân”-ông Liêm cho hay.