IAEA: Nga và Ukraine cam kết hợp tác đảm bảo an toàn hạt nhân

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở TP Pripyat. Ảnh: EyePress News/TTXVN

Nga và Ukraine sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân sau khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine dừng truyền phát dữ liệu trong nhiều ngày qua.

Trên đây là tuyên bố của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, đưa ra sau khi ông có chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi với giới chức Nga và Ukraine về vấn đề nói trên.

Phát biểu với báo giới ngày 10/3 sau khi trở về Vienna (Áo), Tổng Giám đốc Grossi mô tả các cuộc gặp riêng rẽ của ông với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba là "khó khăn", nhưng nghiêm túc.

Ông khẳng định hai ngoại trưởng đều nhất trí cần hành động và hợp tác với IAEA trong vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân. Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh ông sẽ nỗ lực thúc đẩy hành động cụ thể trong những ngày tới.

Trong tuyên bố tối 10/3, IAEA cho biết phía Ukraine thông báo đã mất hoàn toàn liên lạc với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một ngày trước đó, nhà máy này cũng đã ngắt kết nối với mạng lưới điện.

Trong khi đó, Nga khẳng định nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cùng nhà máy điện hạt nhân khác tại Ukraine là Zaporizhzhia vẫn an toàn. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết lực lượng Nga, chuyên gia và Lực lượng Vệ binh Ukraine hiện cùng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Cùng ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu. Ông Putin cũng khẳng định Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ được phát trên truyền hình, ông Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu gây tổn hại Mỹ và châu Âu, bao gồm giá cả đang leo thang. Ông nhấn mạnh: “Đó không phải do lỗi của chúng ta. Đó là kết quả tính toán sai của họ”.

Tổng thống Putin nêu rõ Nga tôn trọng tất cả các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng, theo đó tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, trong khi phương Tây khiến cho giá năng lượng tăng vọt.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây có nguy cơ đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.

Theo ông Putin, nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục cản trở nguồn tài chính và logistic đối với việc giao hàng các sản phẩm của Nga, đặc biệt là phân bón, khi đó giá cả sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng là lương thực, thực phẩm.

Đề cập những lo ngại của người dân Nga về nguy cơ thiếu lương thực và thuốc men, Tổng thống Putin thừa nhận có thể có khó khăn về nguồn cung, nhưng khẳng định vấn đề sẽ được giải quyết. Ông nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ khiến đất nước mạnh mẽ hơn, đồng thời kêu gọi người dân Nga "thích ứng với tình hình mới”.

Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, cùng ngày 10/3, Văn phòng báo chí của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết Tiểu ban quản lý thuế và phi thuế quan, các biện pháp bảo hộ thương mại của Ủy ban chính phủ phát triển kinh tế và hội nhập đã quyết định tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU).

Ngoài ra, tiểu ban này cũng ủng hộ quyết định tạm cấm xuất khẩu đường trắng và đường mía thô từ Nga sang các nước thứ ba. Cả hai biện pháp có hiệu lực đến ngày 31/8/2022. Theo Bộ Phát triển kinh tế, quy định cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ ảnh hưởng đến lúa mì và meslin (hỗn hợp lúa mỳ và lúa mạch đen), lúa mạch đen, lúa mạch và ngô. Bộ Công Thương Nga có thể cấp giấy phép xuất khẩu ngoại lệ. Việc xuất khẩu đường sẽ bị cấm, song có thể giao hàng cho các nước EAEU trên cơ sở giấy phép do Bộ Nông nghiệp cấp.

Cùng ngày, hãng thông tấn TASS đưa tin Chính phủ Nga quyết định cấm xuất khẩu ôtô, máy bay và máy bay không người lái từ nay đến cuối năm. Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết chính phủ đã xây dựng kế hoạch hành động để ổn định nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt gia tăng.

Trong diễn biến khác, ngày 10/3, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) đã thúc giục những nước sản xuất dầu khí chủ chốt tăng lượng giao hàng để giảm thiểu các tác động đối với thị trường năng lượng liên quan tới các lệnh trừng phạt của nhiều nước nhằm vào Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng năng lượng G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước sản xuất dầu hành động có trách nhiệm và xem xét tăng giao hàng cho các thị trường quốc tế, nhất là với những nước chưa khai thác hết sản lượng”.

G7 đánh giá cao vai trò của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và khẳng định sự cần thiết của việc “xem xét những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn giá khí đốt gia tăng”. Tuy nhiên, G7 đã không đạt được đồng thuận về bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với các nguồn cung dầu mỏ của Nga. Họ lưu ý rằng một số quốc gia đã công bố biện pháp này, trong khi các nước khác đang nỗ lực để củng cố khả năng tự chủ nguồn năng lượng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến trước đó cùng ngày, trong đó các bộ trưởng G7 nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Các bộ trưởng cũng chung quan điểm rằng cần phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng điện hạt nhân.

Bộ trưởng Năng lượng các nước G7 cũng bày tỏ quan ngại về gánh nặng tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp khi giá cả đột biến, "đặc biệt là ở các nước châu Âu" và thừa nhận rằng tình hình có thể tồi tệ hơn tại các nước đang phát triển.

Các bộ trưởng cam kết nỗ lực phối hợp để đảm bảo đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nguồn cung cấp, tuyến đường và phương tiện vận tải".

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271871/iaea--nga-va-ukraine-cam-ket-hop-tac-dam-bao-an-toan-hat-nhan.html