IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hàn Quốc xuống 2,3%

IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hàn Quốc xuống 2,3% do nền kinh tế này đang đối mặt với lạm phát cao trong khi các bất ổn kinh tế bên ngoài tiếp tục gia tăng.

Bơm nhiên liệu cho phương tiện tại một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Bơm nhiên liệu cho phương tiện tại một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc thêm 0,2 điểm % từ mức 2,5% mà tổ chức này đưa ra vào tháng 4. IMF cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hàn Quốc từ 2,9% xuống 2,1%.

Như vậy, dự báo triển vọng tăng trưởng năm 2022 của IMF thấp hơn dự báo của Chính phủ Hàn Quốc là 2,6% và của BOK là 2,7%.

Bộ Tài chính Hàn Quốc nhận định mặc dù IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc song mức cắt giảm 0,2 điểm % của IMF đối với nước này vẫn nhỏ hơn mức giảm bình quân 0,8 điểm % của các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ đình lạm, là tình trạng tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao xảy ra đồng thời, do bất ổn kinh tế gia tăng từ xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất.

BOK ngày 26/7 công bố báo cáo cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hàn Quốc trong quý II năm nay tăng 0,7% so với quý I, mức tăng cao hơn 0,1% so với quý trước đó. Sau khi ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu tiên vào quý I (-1,3%) và quý II (-3,2%) năm 2020 do dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc duy trì đà tăng 8 quý liên tiếp, từ quý III/2020 đến quý II/2022.

Cụ thể, lĩnh vực tiêu dùng tư nhân tăng 3% tập trung vào tiêu dùng các hàng hóa như quần áo, giày dép và dịch vụ nhà hàng, khách sạn, giải trí. Tiêu dùng chính phủ tăng 1,1%, tập trung vào trợ cấp an sinh xã hội bằng hiện vật. Đầu tư xây dựng tăng 0,6% trong khi đầu tư thiết bị giảm 1%.

Kim ngạch xuất khẩu giảm 3,1%, trọng tâm là chế phẩm hóa học, sản phẩm kim loại chính. Kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, dẫn đầu là dầu thô và khí đốt tự nhiên. Như vậy, tiêu dùng tư nhân đã kéo tăng trưởng kinh tế quý II tăng 1,4%, tiêu dùng chính phủ đóng góp 0,2%; ngược lại xuất nhập khẩu ròng đã kéo giảm 1,1% tăng trưởng kinh tế.

Theo ngành nghề, ngành dịch vụ tăng 1,8%, ngành xây dựng tăng 0,2%; trong khi đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm 6,4%, ngành chế tạo giảm 1,1% tập trung vào hóa học và kim loại cơ bản. Tổng thu nhập quốc nội (GDI) thực tế quý II giảm 1%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP thực tế do điều kiện thương mại xấu đi.

BOK kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt mục tiêu 2,7% nếu 2 quý còn lại tăng trưởng đạt ít nhất 0,3% mỗi quý.

Tuy nhiên, dự báo rủi ro đối với nền kinh tế Hàn Quốc trong nửa cuối năm nay đang ngày càng gia tăng do tiêu dùng tư nhân có thể bị thu hẹp vì xu hướng vật giá tăng cao và dịch COVID-19 tái bùng phát. Ngoài ra, điều kiện bên ngoài bất ổn như tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của các nước lớn chậm lại cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc./.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/imf-ha-trien-vong-tang-truong-kinh-te-nam-2022-cua-han-quoc-xuong-2-3/252598.html