Indonesia 'bỏ rơi' các cựu phiến quân IS

Chính phủ Indonesia cuối cùng quyết định không hồi hương hàng trăm công dân Indonesia từng là các tay súng hoặc những người ủng hộ IS hiện đang mắc kẹt trong các nhà tù do người Kurd kiểm soát và các trại giam gần biên giới Syria -Iraq, gọi họ là 'virus lan truyền khủng bố' có thể lây nhiễm cho người dân trong nước.

Chính phủ Indonesia cuối cùng quyết định không hồi hương hàng trăm công dân Indonesia từng là các tay súng hoặc những người ủng hộ IS hiện đang mắc kẹt trong các nhà tù do người Kurd kiểm soát và các trại giam gần biên giới Syria -Iraq, gọi họ là “virus lan truyền khủng bố” có thể lây nhiễm cho người dân trong nước.

Người Indonesia đến trại Ain Issa, cách Raqqa 50 km về phía bắc sau khi chạy trốn khỏi IS. Ảnh: AFP

Người Indonesia đến trại Ain Issa, cách Raqqa 50 km về phía bắc sau khi chạy trốn khỏi IS. Ảnh: AFP

Quyết định này không có gì đáng ngạc nhiên bởi Tổng thống Joko Widodo, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị Mahfud MD, Giám đốc an ninh và các nhà lãnh đạo tôn giáo đều từng bày tỏ quan điểm phản đối kế hoạch hồi hương.

Quyết định này không chỉ áp dụng đối với khoảng 200 tù nhân ở miền bắc Syria, mà còn với 500 tay súng và những kẻ ủng hộ IS mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã xác định ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác ở Trung Đông và Nam Á. “Vấn đề vẫn đang được thảo luận. Nhưng nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ nói không”, Tổng thống Widodo, cho biết hồi đầu tháng này.

“Tất cả những người Indonesia này đã bị IS lấy mất hộ chiếu và chính quyền cho biết, vì họ không có tài liệu đi lại, họ không thể chứng minh quốc tịch của những người này. Cảnh sát không muốn họ quay trở lại và quân đội cũng không”, một chuyên gia khủng bố đang theo dõi tình hình, cho biết. Điều khiến vấn đề trở nên nhạy cảm là ít nhất 80% số người bị giam giữ, ở Syria, là phụ nữ và trẻ em. Chồng của họ bị các chỉ huy IS sử dụng làm súng thần công trong cuộc chiến. Hầu hết đang sống trong điều kiện tồi tàn ở al-Hol, một khu trại rộng lớn có thể chứa đến 74.000 người, nằm cách Raqqa, thành trì của IS ở Syria, khoảng 200 km về phía đông. Thực phẩm, nước uống và chăm sóc sức khỏe đang bị thiếu hụt. Một số phụ nữ Indonesia là góa phụ của những người tay súng nước ngoài mà họ đã kết hôn ở Syria, thường là sau khi người chồng đầu tiên của họ bị giết. Những người khác đã kết hôn với các chiến binh Indonesia bị giam giữ trong các nhà tù của Lực lượng Quốc phòng Syria (SDF). Các gia đình này đã bị cực đoan hóa trước khi rời Indonesia đến Trung Đông. Điều đó khiến chúng trở thành một mối đe dọa đáng kể nếu quay về nước. Nhiều người Indonesia không muốn họ trở lại.

Ngay cả tổ chức hồi giáo có ảnh hưởng lớn Nahdlatul Ulama, với số thành viên hơn 40 triệu, cũng phản đối việc hồi hương của họ. “Nếu những chiến binh khủng bố nước ngoài này quay trở lại, họ có thể trở thành một loại virus khủng bố mới đe dọa 267 triệu người của chúng ta”, Bộ trưởng Mahfud phát biểu với báo giới hôm 11-2 sau khi gặp tổng thống tại cung điện. “Chúng tôi không có kế hoạch đưa họ về nước”, ông khẳng định. Tuy nhiên, ông đã nói rằng chính phủ sẽ dành nhiều thời gian thu thập dữ liệu của riêng mình và sẽ xem xét cho hồi hương trẻ em dưới 10 tuổi, dù cha mẹ chúng có bị giam giữ hay không.

Các nguồn tin an ninh cho biết, họ tin rằng khoảng 60 tay súng chiến đấu của Indonesia đã quay trở về nước mà không bị phát hiện kể từ khi IS sụp đổ hồi đầu năm ngoái, nhưng không ai biết về nơi ở của những đối tượng này hoặc liệu chúng có gia nhập các nhóm khủng bố đang hoạt động tại Indonesia như Jamaah Anshurat Daulah (JAD) hay không.

Hầu hết các tín đồ IS đã đến Trung Đông với những viễn cảnh về việc sống trong một Nhà nước Hồi giáo. Một số gia đình đã bán hết tất cả những gì họ sở hữu để thực hiện cuộc hành trình đến miền đất hứa, tin chắc rằng họ sẽ không bao giờ trở về quê hương Indonesia. Tái hòa nhập xã hội sẽ là một quá trình phức tạp và lâu dài mà chính quyền Indonesia không được trang bị đầy đủ để đối phó và không có gì đảm bảo họ sẽ thành công. Họ nói rằng, tốt hơn hết là để họ ở lại nơi họ đang ở. Các chương trình “khử tư tưởng cực đoan” đối với các đối tượng bị cựu đoan hóa gây lo ngại về tình trạng thiếu kinh phí, thiếu hệ thống phân loại nhà tù thích hợp. Quá trình này sẽ mất nhiều năm và phải chắc chắn về việc cung cấp cho họ việc làm và một tương lai tốt hơn.

Tổng thống Widodo bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với nỗ lực đổi mới nhằm trấn áp chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang phát triển. Ông đã bổ nhiệm tướng quân đội đã nghỉ hưu Fachrul Razi làm Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo và cựu cảnh sát trưởng Tito Karnavian làm Bộ trưởng Nội vụ. Họ và các thành viên khác của Nội các mới đã bắt đầu thực hiện các chính sách nhằm kiềm chế chủ nghĩa cấp tiến trong bộ máy và sửa đổi chương trình giảng dạy của các trường Hồi giáo. “Chúng ta phải ngăn chặn sự không khoan dung, ngăn chặn bài ngoại, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và ngăn chặn khủng bố”, ông Widodo nói tại phiên họp chung của Quốc hội Australia trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Canberra trong tuần này. Có thể thấy, quyết định không hồi hương công dân Indonesia từng tham gia IS của chính phủ Indonesia lần này là nhằm bảo vệ những kế hoạch trấn áp chủ nghĩa hồi giáo cực mà nước này đang nỗ lực thực hiện.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_220350_indonesia-bo-roi-cac-cuu-phien-quan-is.aspx