Indonesia cấm đi lại dịp lễ, Philippines có số ca nhiễm mới cao
Cảnh sát Indonesia đã được triển khai trên khắp các đường phố ở thủ đô Jakarta để kiểm tra giấy tờ và ngăn những người không có giấy phép đặc biệt rời khỏi thành phố.
Indonesia ngày 6/5 đã bắt đầu thực thi lệnh cấm đi lại trong nước, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Cảnh sát đã được triển khai trên khắp các đường phố ở thủ đô Jakarta để kiểm tra giấy tờ và ngăn những người không có giấy phép đặc biệt rời khỏi thành phố. Biện pháp này được thực hiện trong khuôn khổ lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 6-17/5. Nhà chức trách Indonesia đã thông báo lệnh cấm này tháng trước.
Thông thường vào dịp lễ Eid al-Fitr hằng năm, hàng triệu người ở Indonesia sẽ trở về quê nhà thăm gia đình, tạo ra làn sóng di chuyển ồ ạt tiếng địa phương gọi là "mudik."
Dịp lễ này năm nay, giới chức y tế Indonesia lo ngại sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở nước này, trong đó có biến thể phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Hiện Indonesia đã có 1,69 triệu ca mắc và hơn 46.300 ca tử vong do COVID-19, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bất chấp rủi ro, nhiều người dân Indonesia vẫn vi phạm quy định. Trong một thông báo đăng trên Twitter, cảnh sát cho biết nhiều người vẫn tìm cách rời khỏi thủ đô Jakarta bằng cách trốn trong các xe tải chở rau. Những người này cho biết họ tìm cách về quê nhà vì đây là truyền thống vào dịp lễ này.
Thái Lan xác nhận kế hoạch tiêm vaccine cho người nước ngoài
Cùng ngày, Thái Lan xác nhận kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 3 triệu người nước ngoài đang sinh sống ở nước này theo chương trình tiêm chủng đại trà. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện một số quan ngại về khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 của công dân nước ngoài ở Thái Lan.
Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DCD) thuộc Bộ Y tế Thái Lan, ông Opas Kankawinpong nêu rõ: "Bất cứ ai sinh sống ở Thái Lan, dù là người Thái hay người nước ngoài. đều được tiêm vaccine nếu họ muốn tiêm." Ông nhấn mạnh "không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn."
Bộ Y tế Thái Lan cho biết đang nghiên cứu các hình thức để người nước ngoài có thể tiếp cận chương trình tiêm chủng thông qua điện thoại di động, ứng dụng hoặc liên hệ trực tiếp với các bệnh viện.
The ông Opas, với dân số khoảng 67 triệu người, cộng thêm 3 triệu người nước ngoài đang sinh sống, Thái Lan cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 50 triệu người (khoảng 70% dân số) để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Quốc gia này vẫn chưa bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà nhưng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hầu hết những người làm việc trong tuyến đầu chống dịch, sử dụng vaccine từ kho dự trữ gồm 2,5 triệu liều vaccine Sinovac.
Hiện Thái Lan đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp nhất từ trước đến nay, theo đó riêng tháng Tư vừa qua ghi nhận hơn 60% trong tổng số 336 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức khoảng 2.000 ca từ giữa tháng Tư vừa qua.
Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 1.911 ca mắc mới và 18 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong của nước này lên lần lượt là 76.811 và 336.
Số ca nhiễm mới tại Philippines vẫn ở mức cao
Cũng trong ngày 6/5, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 6.637 ca mắc mới COVID-19 và 191 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 1.080.172 và 17.991.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, từ ngày 27/4 Philippines đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, có hiệu lực đến ngày 14/5.
Từ ngày 7/5, Philippines cũng cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka hoặc những người từng ở những nước này trong vòng 14 ngày trước khi đến Philippines./.