Indonesia dùng sức mạnh mạng xã hội để quảng bá du lịch

Indonesia sẽ sử dụng sức mạnh truyền thông xã hội với sự trợ giúp của các nhân vật có ảnh hưởng để quảng bá các điểm đến nổi tiếng trong nỗ lực vực dậy ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra. Ảnh: Indonesiad.com

Hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra. Ảnh: Indonesiad.com

Trong Thông điệp quốc gia thường niên đọc trước Quốc hội trong tháng này Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo tuyên bố rằng cách tiếp cận có tên “storynomics” sẽ sử dụng sức mạnh của tường thuật, nội dung sáng tạo và văn hóa để thúc đẩy các điểm du lịch của đất nước.

Đây sẽ là một phần của gói ngân sách trị giá 14.400 tỷ rupiah (tương đương 972,6 triệu USD) dành cho các nỗ lực phục hồi du lịch vào năm tới.
Thứ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Rizki Handayani cho hay Chính phủ Indonesia tin rằng khách du lịch sẽ ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn tại các điểm du lịch nếu họ hiểu những câu chuyện và bối cảnh xung quanh các điểm đến.
Theo bà Rizki, khi chuyển trọng tâm sang chất lượng du lịch, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo hướng đến việc cung cấp trải nghiệm cho du khách.

Điều mà Tổng thống muốn nói qua cách tiếp cận “storynomics” là cung cấp cho khách du lịch những câu chuyện và tường thuật đằng sau các điểm đến. Điều này sẽ khiến du khách ngạc nhiên và thúc đẩy cảm giác phiêu lưu từ đó sẽ ở lại lâu hơn.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy thời gian lưu trú trung bình của du khách nước ngoài tại các khách sạn được xếp hạng là 2,77 ngày trong tháng 12/2019, giảm nhẹ so với mức 2,87 ngày trong tháng 12/2018.

Đại dịch tiếp tục khiến lượng du khách nước ngoài sụt giảm với mức giảm lên tới 59,96% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,09 triệu lượt trong nửa đầu năm nay giữa lúc biên giới quốc tế bị đóng cửa và người dân bị hạn chế đi lại.
Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) ước tính rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay khiến ngành du lịch của quốc gia này thất thu 85.000 tỷ rupiah tính đến giữa tháng Bảy vừa qua.
Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo dự kiến lượng khách du lịch nước ngoài sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025. Trong cả năm nay, Indonesia sẽ chỉ đón được 2,8-4 triệu lượt du khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 18 triệu lượt.
Để hỗ trợ sáng kiến quảng bá và thu hút du khách nước ngoài, Thứ trưởng Rizki cho biết Bộ sẽ sử dụng sự trợ giúp của những người có ảnh hưởng trực tuyến nhằm lan tỏa các câu chuyện về các điểm du lịch của Indonesia.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ cung cấp các chương trình đào tạo cho người dân địa phương tại các điểm du lịch để trở thành thông dịch viên và hướng dẫn viên, đồng thời xây dựng các công trình phụ trợ như bảng chỉ dẫn và biển báo để “kể” các câu chuyện hấp dẫn và mang tính giáo dục về những điểm đến này.
Bên cạnh chiến lược quảng bá, Chính phủ cũng sẽ dành nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng tại các điểm đến du lịch ưu tiên, cụ thể là Hồ Toba tại tỉnh Bắc Sumatra, đền Borobudur ở tỉnh Trung Java, các khu nghỉ dưỡng biển Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, Mandalika ở tỉnh Tây Nusa Tenggara và Likupang ở tỉnh Bắc Sulawesi./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-dung-suc-manh-mang-xa-hoi-de-quang-ba-du-lich/167167.html