Indonesia làm 'nóng' cuộc đua mua sắm tiêm kích đời mới ở châu Á

Indonesia đặt mua 42 tiêm kích của Pháp với giá trị hợp đồng 8,1 tỉ USD, một mức giá được cho là 'mềm' hơn nhiều khi Ấn Độ từng phải bỏ ra 9,4 tỉ USD để mua được 36 chiếc cùng loại ở thời điểm năm 2016.

Tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Mỹ tại triển lãm hàng không Singapore 2022. Ảnh: AP

Tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Mỹ tại triển lãm hàng không Singapore 2022. Ảnh: AP

Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản nằm trong số các đồng minh của Mỹ sở hữu tiêm kích tàng hình F-35. Singapore dự kiến sẽ đặt mua dòng máy bay này của hãng Lockheed Martin. Thái Lan cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đối với F-35, dù chưa biết Mỹ có duyệt bán hay không, do còn phải tính đến mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Bangkok với Bắc Kinh. Mỹ cũng đã mở đường để Indonesia tiếp cận F-35, sau khi Jakarta ký hợp đồng mua 42 tiêm kích Rafale của Pháp hồi tuần trước.

Tiến trình hiện đại hóa quân đội đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc điều tiêm kích F-35 tới dự triễn lãm hàng không Singapore 2022 (15-18/2/2022) là một phần trong nỗ lực của Mỹ muốn chuyển thông điệp tới các nước.

Có nhiều nhân tố khiến hoạt động mua sắm tiêm kích ở khu vực sôi động. Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm trong thời đại dịch dần khôi phục trở lại. Đà phục hồi, thoát khỏi suy thoái khiến nhiều nước hài hòa giữa ngân sách quốc phòng với phát triển kinh tế. Cùng với đó là sức ép đến từ chương trình hiện đại hóa không ngừng nghỉ từ Trung Quốc, nước chiếm tới 43% chi tiêu quốc phòng của cả khu vực.

Theo Collin Koh, học giả tại Đại học nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), các nước trong khu vực đang bắt tay triển khai các kế hoạch nâng cấp quân đội dài hạn, vì không muốn bị xem là bị tụt lại phía sau.

Indonesia là trường hợp nổi bật. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 10/2 cho biết nước này đã đạt thỏa thuận tổng thẻ với Pháp đặt mua 42 tiêm kích Rafale. Hợp đồng ký két giai đoạn 1 chuyển giao 6 chiếc và 36 chiếc còn lại sẽ được ký và chuyển giao sau. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua kế hoạch đồng ý bán 36 máy bay chiến đấu tiên tiến F-15 và các trang thiết bị quân sự khác trị giá 14 tỷ USD cho Indonesia.

Thay thế các phi đội tiêm kích F-16 và Sukhoi già cỗi nằm trong kế hoạch mà Indonesia vạch ra từ nhiều năm trước. Đầu năm 2018, Indonesia công bố mở đàm phá mua 11 tiêm kích Sukhoi-35 của Nga. Nhưng đến tháng 12/2021, Tư lệnh Không quân Indonesia Fadjar Prasetyo bất ngờ thông báo hủy thương vụ này, cho biết đây là “quyết định rất khó khăn”, nhưng không thể làm khác vì ngân sách eo hẹp.

Nhưng đó có thể chỉ là nguyên nhân bề nổi. Ông Koh nhận định mấu chốt nằm ở Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2017. CAATSA nhằm Nga, Iran, Triều Tiên, trong đó có điều khoản cho phép Mỹ áp trừng phạt các nước mua vũ khí từ Nga. Đòn trừng phạt này không được áp dụng phổ quát và vẫn có thể có miễn trừ.

Một bộ phận giới chức Mỹ sẵn sàng miễn trừ cho Indonesia, nhưng Jakarta nhận thấy rằng không cần phải quá mạo hiểm như vậy. “Mối quan hệ quốc phòng giữa Indonesia với Mỹ đang phát triển tích cực và Jakarta không muốn gây khó dễ cho hợp tác song phương này”, chuyên gia Koh bình luận.

Từ bỏ thương vụ mua tiêm kích Sukhoi-35 từ Nga, Indonesia chuyển sang mua sắm 42 tiêm kích Rafael của Pháp, với tổng giá trị hợp đồng là 8,1 tỉ USD. Đây được coi là mức giá hợp lý. Bởi 6 năm trước đây, Ấn Độ từng phải bỏ ra 9,6 tỉ USD để mua 36 chiếc cùng loại.

Theo Euan Graham, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) chi nhánh tại Singapore, Bộ trưởng Prabowo được coi là “nhân tố bí ẩn” đưa đến thay đổi trong hướng tiếp cận của Indonesia. Ông là người được đào tạo tại Mỹ và có thiên hướng ngả về Washington trong hợp tác quân sự dù Indonesia vẫn bảo lưu quan điểm không liên kết. Ông cũng là người “dè chừng” Trung Quốc rõ nét hơn so với những người tiền nhiệm.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Financial Reivew)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/indonesia-lam-nong-cuoc-dua-mua-sam-tiem-kich-doi-moi-o-chau-a-20220218162448440.htm