Indonesia triển khai chương trình 'phi cực đoan hóa'

Trong một bài viết mới đây, Kyodo News cho biết Chính phủ Indonesia đang triển khai chương trình được gọi là “phi cực đoan hóa” những kẻ khủng bố bị kết án.

Chương trình có sự tham gia của đơn vị cảnh sát chống khủng bố Detachment 88 và Cơ quan chống khủng bố quốc gia của Indonesia. Theo người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Boy Rafli Amar, hơn 90% trong khoảng 900 đối tượng bị bắt liên quan đến các vụ khủng bố đã tự nguyện tham gia chương trình.

Những đối tượng này được trao đổi với các chuyên gia để nhận thức được rằng “bạo lực không phải là giải pháp cho sự bất mãn, cần phải khoan dung hơn và chấp nhận những khác biệt về tôn giáo, sắc tộc”. Vào cuối chương trình, các phạm nhân phải cam kết trung thành với nhà nước để được giảm án.

Người dân tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom khủng bố tại Bali, ngày 12/10/2022.

Người dân tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom khủng bố tại Bali, ngày 12/10/2022.

Trong khuôn khổ chương trình là các cuộc gặp giữa nạn nhân với đối tượng khủng bố bị kết án. Một ví dụ được Kyodo News trích dẫn là hồi cuối tháng 9 vừa qua, tại nhà tù Porong ở tỉnh Đông Java của Indonesia đã diễn ra cuộc gặp giữa bà Ni Luh Erniati, 52 tuổi-người có chồng là một trong số 202 nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom khủng bố tại đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia hồi tháng 10-2002, với Umar Patek-đối tượng từng tham gia chế tạo bom trong vụ khủng bố. Khi thấy bà Ni Luh Erniati, Umar Patek vội lao đến, quỳ gối và khóc.

“Đối tượng cầu xin tôi tha thứ. Tôi nói rằng tôi đã tha thứ cho hắn rồi”, bà Ni Luh Erniati chia sẻ về cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ.

Theo ông Marthinus Hukom, người đứng đầu Detachment 88, trường hợp của đối tượng Umar Patek là một trong những câu chuyện thành công của chương trình. Đây chính là một “hình mẫu” để cảm hóa những đối tượng khủng bố khác.

“Nếu những đối tượng này bị cô lập, họ sẽ quay trở lại với nhóm cực đoan của mình. Chúng ta phải tạo ra không gian hòa giải giữa nạn nhân và kẻ phạm tội. Nếu muốn đánh giá mức độ thành công của chương trình, tôi có thể nói rằng trong hai năm qua, chưa ghi nhận trường hợp nào tái phạm”, ông Marthinus Hukom nhấn mạnh. Mặc dù vậy, ông Boy Rafli Amar cảnh báo mối đe dọa vẫn còn đó. “Những đối tượng khủng bố trẻ tuổi vẫn đang hoạt động và thay đổi cách thức hoạt động”, ông Boy Rafli Amar nêu rõ.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361373-indonesia-trien-khai-chuong-trinh-phi-cuc-doan-hoa