Iran: Kỳ vọng thay đổi đến từ tân Tổng thống Ebrahim Raisi

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: IRNA/TTXVN

Với tỉ lệ phiếu bầu hơn 60 %, Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raisi đã trở thành người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani sau cuộc bầu cử ngày 18/6 vừa qua. Cả 3 ứng cử viên còn lại trong cuộc bầu cử đã thừa nhận thất bại.

Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, ông Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran đứng trước một loạt nhiệm vụ hết sức khó khăn, như vực dậy nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, qua đó đưa Iran tham gia trở lại nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 của Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Tehran. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 bởi cho rằng thỏa thuận không đủ mạnh để vô hiệu hóa hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran.

Đồng thời, Mỹ đã tái áp đặt và bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm ép buộc Tehran phải nhất trí đàm phán một thỏa thuận mới. Nhằm cắt nguồn tài chính của Iran và đưa quốc gia Trung Đông này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu để Tehran không thể giao thương với nước ngoài, Mỹ đã thực hiện triệt để các lệnh trừng phạt trên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, ngân hàng, sản xuất vũ khí, công nghệ ô tô, kim loại quý, đá quý và ngành công nghiệp.

Trước chính sách "gây sức ép tối đa” của Mỹ, nền kinh tế trị giá gần 475 tỉ USD (năm 2019) của Iran đã không thể tham gia các thị trường quốc tế cũng như nền kinh tế toàn cầu, với nguồn ngân sách giảm đáng kể và dự trữ ngoại tệ ngày càng khan kiếm.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran đã giảm 6,8% trong năm 2018-2019 và giảm 6% năm ngoái. Lạm phát tăng vọt và luôn ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ rial suy yếu mạnh so với đồng USD. Tỉ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô của Iran giảm mạnh từ 3,9 triệu thùng/ngày ở thời điểm Mỹ chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (tháng 5/2018) xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

Xuất khẩu dầu thô cũng giảm sâu từ khoảng 2,5 triệu thùng/ngày xuống khoảng 650 nghìn thùng/ngày. Iran hiện có khoảng 20 tỉ USD tiền bán dầu bị phong tỏa tại Hàn Quốc, Iraq và Trung Quốc từ năm 2018 theo các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bên cạnh đó, Iran cũng đang phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19. Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus SARS-CoV-2 với hơn 3,08 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 82.850 trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức, Iran cũng đang nỗ lực đàm phán với các cường quốc thế giới để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.

Tehran kỳ vọng việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận này và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ tạo các cơ hội để kinh tế Iran tham gia trở lại hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.

Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran - quốc gia có trữ lượng dầu thô qua kiểm chứng lớn thứ tư thế giới với khoảng 158 tỉ thùng - có thể sẽ tăng mạnh sản lượng khai thác lên khoảng 4 triệu thùng/ngày chỉ trong vòng 1-3 tháng. Bên cạnh đó, quốc gia Trung Đông sẽ nâng mức xuất khẩu dầu thô lên hơn 2,5 triệu thùng/ngày.

Việc tái hội nhập nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp Iran có các nguồn lực để đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng sản xuất dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong nhiều năm, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Các công ty từ châu Âu, Mỹ, khu vực Đông Bắc Á và nhiều khu vực khác sẽ quay lại thị trường Iran. Các tập đoàn năng lượng toàn cầu như BP, Shell, Total, Staoil và Lukoil đều mong muốn hợp tác với Iran. Với gần 83 triệu dân, thị trường Iran hiện cần nhiều loại hàng hóa, từ hàng thiết yếu đến điện tử, ô tô và linh kiện máy bay.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán nhằm khôi phục JCPOA, bắt đầu từ tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo, dù đã đạt được một số tiến triển, song các bên thừa nhận vẫn còn một số vấn đề then chốt chưa được giải quyết. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thể dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Iran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc từ Tehran.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/258105/iran--ky-vong-thay-doi-den-tu-tan-tong-thong-ebrahim-raisi.html