Iran-Mỹ gia tăng căng thẳng vì máy bay không người lái
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công và mối đe dọa ngày càng gia tăng. Đáng chú ý cuối tuần qua, máy bay không người lái của Tehran và các đồng minh Washington trong khu vực dường như đang đối đầu với nhau. Từ các vùng sa mạc rộng lớn của Saudi Arabia cho tới các khu vực dân cư đông đúc ở Beirut, thủ đô của Liban, một cuộc chiến máy bay không người lái đang diễn ra, làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Ưu điểm của những chiếc máy bay không người lái là không đe dọa tính mạng phi công và đủ nhỏ để lẩn tránh các hệ thống phòng không sẽ được các bên sử dụng nhiều hơn trong bối cảnh diễn ra các chiến dịch sức ép tối đa của Iran và Mỹ. Khi các cuộc không kích trở nên thường xuyên hơn, nguy cơ bất ngờ leo thang sẽ trở nên lớn hơn.
Hồi tháng 6 vừa qua, quân đội Mỹ đã suýt phát động tấn công Iran sau khi một máy bay do thám không người lái của nước này bị bắn hạ. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của Israel tấn công các mục tiêu ở Syria gần như hàng tuần, kể cả vụ tối 24-8 vừa qua. Lý do Israel tiến hành vụ mém bom mới nhất là để ngăn chặn Iran chuẩn bị tấn công bằng máy bay không người lái. Máy bay Israel đã quần thảo bầu trời Beirut hôm 25-8 sau khi họ mất 2 máy bay không người lái.
Sự việc này làm tăng nguy cơ xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Tối 25-8, một cuộc không kích bằng máy bay không người lái khác đã nhằm vào lực lượng bán quân sự do Iran hậu thuẫn ở Iraq, giết chết một chỉ huy và làm một người khác bị thương. Hiện vẫn chưa rõ ai thực hiện vụ tấn công này.
Căng thẳng gia tăng bắt nguồn từ hồi tháng 5-2018 khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc thế giới. Theo thỏa thuận này, Tehran đã giới hạn việc làm giàu uranium để đối lấy việc được nới lỏng trừng phạt. Để đối phó với việc Washington rút khỏi thỏa thuận này, Iran ban đầu tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác châu Âu, nhưng những trừng phạt ngày càng gia tăng của Mỹ đã bóp nghẹt việc bán dầu thô của nước này trên thị trường quốc tế.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã điều các máy bay B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, các chiến đấu cơ, một hàng không mẫu hạm và bổ sung binh sỹ đến khu vực này để đối phó với các mối đe dọa từ Iran. Sau những vụ nổ bí ẩn nhằm vào các tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz, các vụ tấn công bằng máy bay không người lái đã diễn ra, đầu tiên là từ nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Các cuộc tấn công lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của vương quốc này như đường ống dẫn dầu Đông-Tây… Saudi Arabia ngay lập tức đổ lỗi cho Iran, một đối thủ lâu năm ở Trung Đông, về các vụ tấn công này. Trong khi Iran phủ nhận việc vũ trang cho nhóm phiến quân Houthis, các chuyên gia phương Tây và Liên hợp quốc cho rằng, máy bay không người lái do nhóm phiến quân này sử dụng có mô hình giống các máy bay do Iran sử dụng.
Trong khi đó, cuộc không kích của Israel vào Iraq hồi tháng trước đã nhằm mục tiêu vào căn cứ của phiến quân dòng Shiite thân Iran. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Israel trên lãnh thổ Iraq kể từ năm 1981. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang tìm cách tái đắc cử vào tháng 9 tới, đã biện hộ cho cuộc tấn công này: "Nếu một ai đó đứng lên để giết bạn, bạn phải giết anh ta trước tiên."
Quân đội Israel hôm 25-8 công bố một bản đồ mà họ nói đó là các tuyến đường để Iran đưa máy bay không người lái sang Syria. Phát ngôn viên quân đội Israel, thiếu tá Jonathan Conricus cho biết, Israel đã theo dõi hoạt động này trong nhiều tuần và quyết định tấn công khi Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran chuẩn bị thực hiện kế hoạch tấn công bằng máy bay không người lái. Theo vị sỹ quan nói trên, Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran đã mất nhiều thời gian và công sức để lên kế hoạch này.
Iran đã phủ nhận các cuộc không kích của Israel ở Syria gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho các lực lượng của họ. Tướng Iran Mohsen Rezaei khẳng định: "Đây là một lời nói dối." Tuy nhiên, ông Rezaei nói thêm rằng "những lực lượng ở Syria và Iraq sẽ sớm có câu trả lời.” Phản ứng của ông Rezaei cho thấy nguy cơ leo thang các cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Trước đó, các quan chức Lebanon cho biết một máy bay không người lái của Israel đã rơi xuống Beirut, trong khi một chiếc khác phát nổ. Họ gọi đây là hành động xâm lược của Israel và vi phạm chủ quyền của Lebanon.
Những diễn biến này vẫn là một thách thức trực tiếp đối với Hezbollah – nhóm vũ trang thân Iran. Tổ chức này hiện vẫn đang hồi phục sau cuộc xung đột kéo dài nhiều năm ở nước láng giềng Syria khiến hàng nghìn tay súng của họ thiệt mạng và bị thương khi chiến đấu bên cạnh các lực lượng của Tổng thống Bashar Assad. Hezbollah, một phần của chính phủ đoàn kết dân tộc vốn mong manh đang vật lộn đối phó với khủng hoảng tài chính và kinh tế nghiêm trọng, không muốn bị coi là kéo Lebanon vào một cuộc chiến tranh tương tàn khác với Israel, nhưng họ có thể cảm thấy áp lực khi phải đối phó với những hành động khiêu khích của Israel. Nhóm này đã nhiều lần cảnh báo Israel ngừng vi phạm không phận của Lebanon gần như hàng ngày, song cho đến nay vẫn thể hiện sự kiềm chế bất chấp một loạt vụ tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah ở Syria.
Tuy nhiên, bất kỳ sự trả đũa nào cũng có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột không mong muốn với Israel mà nhóm này dĩ nhiên là muốn tránh.