Iran sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt

Iran sẵn sàng đối thoại với Mỹ nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran được dỡ bỏ. Phát biểu trên được Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang căng thẳng…

Ngày 16-7, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ NBC, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẵn sàng tham vấn với Washington, nếu các lệnh trừng phạt áp đặt chống Iran được dỡ bỏ. Ông Mohammad Javad Zarif nêu rõ: “Khi nào lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, khi đó sẽ xuất hiện cơ hội để đàm phán”, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp áp đặt trừng phạt của Mỹ đang làm tổn thương người dân Iran, đặc biệt là những người có nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh và chăm sóc đặc biệt. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn bắt đầu cuộc chiến tranh với Iran, tuy nhiên “những quan chức thân cận với ông chủ Nhà Trắng lại muốn điều này”. Ngoại trưởng Iran cũng đánh giá “sự tỉnh táo đã thắng thế” khi bình luận việc Tổng thống Donald Trump từ bỏ ý định tấn công Iran hồi cuối tháng 6 vừa qua. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Mohammad Javad Zarif tái khẳng định Iran không liên quan tới các cuộc tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman hồi tháng 6 vừa qua. Nhà ngoại giao Iran tuyên bố những tư liệu bằng chứng mà phía Mỹ công bố ám chỉ rằng tàu Iran tiến lại gần một trong các tàu chở dầu không chứng minh được điều gì, đồng thời cho biết lực lượng hải quân Iran vào thời điểm đó đã tham gia chiến dịch cứu hộ.

 Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nêu điều kiện để nước này mở cánh cửa đối thoại. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nêu điều kiện để nước này mở cánh cửa đối thoại. Ảnh: Reuters.

Trong một diễn biến liên quan, nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 16-7 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục cắt giảm các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) vào năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời cáo buộc các đối tác châu Âu không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuần trước xác nhận cấp độ làm giàu urani của Iran đã đạt hơn 4,5% vào ngày 8-7, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Phát biểu tại Brussels (Bỉ) sau cuộc họp Ngoại trưởng EU ngày 15-7, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran không coi các vi phạm của Tehran là nghiêm trọng và chưa có ý định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận, đồng thời ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng. Bà Federica Mogherini cho biết, các ngoại trưởng đã không đưa ra kết luận nào về những biện pháp tiếp theo cần thực hiện để giải quyết căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran. Đại diện cấp cao của EU tuyên bố, trong thời điểm hiện tại, không có bên nào trong thỏa thuận này báo hiệu ý định kích hoạt điều khoản về một cơ chế cho phép trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ. Bà giải thích điều đó có nghĩa là hiện không bên nào, với những dữ liệu hiện có, đặc biệt là của IAEA, coi các vi phạm của Iran mang tính nghiêm trọng.

Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran. Sau hành động của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này. Hồi tháng một năm nay, Anh, Pháp và Đức tuyên bố xây dựng INSTEX, một cơ chế nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi thương mại với Iran, qua đó duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, Iran cho rằng bước đi của EU là không đủ vì cơ chế này vẫn chưa được triển khai. Căng thẳng xung quanh tình hình Iran leo thang sau vụ các tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman vào tháng 6 vừa qua. Mỹ tìm cách đổ trách nhiệm cho Iran, trong khi Tehran kiên quyết bác bỏ các cáo buộc. Ngày 20-6, lực lượng phòng không Iran đã bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4 của Mỹ. Ngay sau đó, theo chia sẻ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một chiến dịch quân sự nhằm vào Iran đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã quyết định ngừng chiến dịch chỉ 10 phút trước thời điểm bắt đầu.

Với tư cách là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Pháp kêu gọi Iran "kiên nhẫn và có trách nhiệm". Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bất kỳ sự leo thang nào liên quan đến vấn đề hạt nhân ở thời điểm hiện tại đều gây tổn hại đến lợi ích của chính người Iran và cả cộng đồng quốc tế.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/iran-san-sang-doi-thoai-neu-my-do-bo-lenh-trung-phat-582591