Iran tìm cách phát triển công nghệ quân sự
Trong khi các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang mạnh tay chi những khoản tiền khổng lồ cho việc mua sắm các loại vũ khí cao cấp, tối tân do Mỹ sản xuất nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng và ứng phó với thách thức an ninh thì Iran lại phải tự dựa vào nền công nghiệp quốc phòng trong nước. Tuy vậy, khó khăn này cũng chính là động lực tạo nên cuộc cách mạng trong phát triển công nghệ quân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Từ lâu, Iran đã thực hiện chủ trương nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghệ. Trước đây, nhiều quốc gia Arab còn nghi ngại không chấp nhận mở đường truyền internet bởi các lý do nhạy cảm về văn hóa, tôn giáo và chính trị, thì Iran lại chọn lối đi riêng.
Năm 1993, Iran trở thành quốc gia thứ hai tại Trung Đông có kết nối internet, chỉ sau Israel. Tehran cũng đi trước các quốc gia khác trong khu vực từ 1 đến 2 thập niên khi vận hành phương tiện bay không người lái (UAV) đầu tiên vào năm 1985.
Tiếp nối thành công đó, ngày nay quân đội nước này vẫn duy trì hàng chục mẫu UAV khác nhau, trong đó dòng hiện đại nhất với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và đủ khả năng duy trì hoạt động liên tiếp trong 12 giờ. Hồi tháng 10-2018, Tehran đã tổ chức một hội nghị quốc tế về công nghệ, trong đó các học giả đã trình bày những nghiên cứu tập trung vào việc tối ưu hóa đường bay, tránh gây nhiễu tín hiệu và tránh va chạm giữa các UAV.
Tờ The National Interest (Mỹ) nhận định, Washington từng xem nhẹ Tehran và đó là lý do nước Cộng hòa Hồi giáo có thể giữ bí mật về chương trình nghiên cứu vũ khí trong một thời gian dài. Khi các nhà ngoại giao chú ý tới chương trình hạt nhân của Iran thì nước này đã chuyển sang tập trung phát triển vũ khí, rôbốt và hệ thống tự động, dựa vào nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài hay sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga.
Ngoài các căn cứ quân sự, giới lãnh đạo Iran còn ủng hộ việc nghiên cứu, phát triển công nghệ quốc phòng mới tại các trường đại học và công ty dân sự nằm dưới sự quản lý của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Theo thống kê, hơn 50% trong số 12.000 sinh viên Iran tại Mỹ niên khóa 2016-2017 theo học ngành kỹ thuật và 12% học toán học hoặc khoa học máy tính. Trong trường hợp Mỹ khắt khe hơn với sinh viên Iran, họ hoàn toàn có thể lựa chọn đến Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hoặc các quốc gia châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng công nghệ quốc phòng Iran có thể chưa phát triển vượt Mỹ, Trung Quốc hay Nga, song Tehran cũng sẽ không chấp nhận ở vị trí bị tụt hậu trong khoảng thời gian quá dài. Rôbốt chính là lĩnh vực được tập trung tiếp theo trong hợp tác giữa nước này và Nga.
Tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Iran Qassem Taqizadeh đã đến thủ đô Mátxcơva (Nga) tham dự Diễn đàn Công nghệ quân sự với sự có mặt của hàng trăm công ty Nga và nước ngoài, trong số đó có nhiều doanh nghiệp chuyên về rôbốt. Động thái này cho thấy mối quan tâm của Iran đối với chương trình phát triển rôbốt nhằm làm chủ một công nghệ quân sự hiện đại của thế giới.