Israel cấm UNRWA hoạt động: Những hệ lụy nguy hiểm
Quốc hội Israel ngày 28-10 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ Israel, mặc dù vấp phải sự phản đối của LHQ, Mỹ và một số quốc gia châu Âu.
Với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật sau nhiều năm chỉ trích gay gắt UNRWA - cơ quan cung cấp viện trợ và hỗ trợ thiết yếu cho toàn bộ các vùng lãnh thổ của Palestine và cho những người tị nạn Palestine suốt hơn 7 thập kỷ qua. Luật mới quy định UNRWA sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel. Lệnh cấm sẽ dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở của UNRWA tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng - Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem và Dải Gaza, về cơ bản làm tê liệt khả năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này.
Nguyên nhân
UNRWA là Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine. Được thành lập năm 1948 để hỗ trợ 700.000 người Palestine phải di dời do xung đột năm 1948, cơ quan này đã cung cấp các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ, xã hội, cơ sở hạ tầng và nơi trú ẩn. Hoạt động của UNRWA trải rộng khắp Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và Dải Gaza, cũng như tại Syria, Lebanon và Jordan.
Theo The Guardian, hỗ trợ dành cho UNRWA phần lớn đến từ các khoản tài trợ trực tiếp của Liên hợp quốc và sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Với nhân lực 30.000 người Palestine, cơ quan này hỗ trợ gần 6 triệu người tị nạn, bao gồm 1.476.706 người tại 8 trại tị nạn ở Dải Gaza và 800.000 người tại Bờ Tây.
Trong cuộc xung đột hiện tại ở Gaza, hầu như toàn bộ dân số vùng lãnh thổ này phụ thuộc vào UNRWA về những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước và vật dụng vệ sinh. Đến nay, hơn 200 nhân viên cơ quan này được xác nhận đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đã kéo dài 1 năm giữa Israel và Hamas.
Israel từ lâu đã chỉ trích UNRWA là lỗi thời và việc cơ quan này vẫn tiếp tục hỗ trợ các thế hệ kế tiếp của những người từng phải di dời năm 1948 là trở ngại đối với tiến trình hòa bình. Trong cuộc xung đột hiện tại với Hamas, Israel đã nhiều lần cáo buộc UNRWA tuyển dụng nhân viên là các chiến binh Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng kêu gọi Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, cắt giảm hỗ trợ với nhận định cơ quan này “bị Hamas hủy hoại”.
Đề cập lý do thông qua luật cấm mới đối với UNRWA, nhà lập pháp Israel Sharen Haskel vừa nhấn mạnh: "UNRWA là một tổ chức đã bị chủ nghĩa khủng bố thao túng hoàn toàn. Những gì chúng ta thấy ở Gaza là cách Hamas sử dụng các cơ sở của Liên hợp quốc, trường học, bệnh viện… để làm căn cứ quân sự, để cất giấu đạn dược, cất giấu tên lửa. Chúng thực sự tiến hành các hoạt động khủng bố từ các cơ sở của Liên hợp quốc".
Theo một hồ sơ do Israel cung cấp cho Mỹ, 12 nhân viên UNRWA bị cáo buộc tham gia vào vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái, bao gồm 9 giáo viên tại các trường học của cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc. Hồ sơ nêu rõ, Israel có bằng chứng cho thấy UNRWA đã tuyển dụng 190 chiến binh Hamas và Jihad Hồi giáo, chiếm 0,64% tổng số nhân viên. Sau khi tiến hành điều tra, UNRWA đã sa thải những nhân viên vướng cáo buộc nhưng phủ nhận việc cố tình hỗ trợ các nhóm vũ trang này.
Hàng loạt quốc gia lên án
UNRWA ngày 29-10 đã ra tuyên bố chỉ trích quyết định Israel cấm cơ quan này hoạt động trên lãnh thổ Israel và khu vực Đông Jerusalem. Tuyên bố dẫn lời người phát ngôn UNRWA Juliette Touma nhấn mạnh Israel là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc lại đang cố gắng giải tán một cơ quan của Liên hợp quốc, vốn đóng vai trò quan trọng nhất và tích cực nhất trong hoạt động nhân đạo ở Gaza. Bà Juliette Touma nhấn mạnh nếu quyết định này được thực hiện sẽ là thảm họa, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhân đạo ở Gaza và một số khu vực thuộc Bờ Tây. Cố vấn truyền thông UNRWA Adnan Abu Hasna tuyên bố quyết định của Israel cấm cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc hoạt động trên lãnh thổ Israel đồng nghĩa với sự sụp đổ của toàn bộ tiến trình nhân đạo.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gửi một lá thư tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để phản đối lệnh cấm trên. Ông cho rằng luật này có thể gây "hậu quả tàn khốc" cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây vì không có giải pháp thay thế hợp lý nào cho UNRWA trong việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ. Lệnh cấm này sẽ gây bất lợi cho việc giải quyết xung đột Israel-Palestine và cho hòa bình và an ninh trong toàn bộ khu vực. Ông Guterres cho biết ông sẽ đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên.
Cùng ngày, cả Mỹ và Anh đều bày tỏ quan ngại và phản đối việc Quốc hội Israel xem xét thông qua dự luật cấm UNRWA hoạt động trên lãnh thổ Israel và khu vực Đông Jerusalem. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã nhắc lại vai trò quan trọng của UNRWA trong việc phân phối viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza. Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định luật cấm hoạt động đối với UNRWA là sai lầm. Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã ra tuyên bố phản đối luật trên, khẳng định vai trò quan trọng của UNRWA trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, cứu sống nhiều người.
Về phần mình, phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza cũng ra tuyên bố cho rằng quyết định của Quốc hội Israel là một phần của cuộc chiến tranh và hành động chống lại người dân Palestine. Palestine cũng đã bác bỏ và lên án luật này, khẳng định hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và thách thức các nghị quyết của Liên hợp quốc ủng hộ tính hợp pháp quốc tế. Ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn chính thức của Tổng thống Palestine, cho rằng quyết định này không chỉ chống lại người tị nạn mà còn chống lại Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã thành lập UNRWA.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/israel-cam-unrwa-hoat-dong-nhung-he-luy-nguy-hiem-post303675.html