Israel đã sẵn sàng 'tất tay' với Iran sau vụ tập kích tên lửa?

Israel dường như đã sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ và công khai hơn với Iran sau vụ Tehran bất ngờ phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ nước này đêm 1/10.

"Ngọn lửa" âm ỉ

Theo New York Times, trong nhiều năm qua, Israel và Iran thường tránh đối đầu trực diện.

Thay vì thế, Israel tìm cách bí mật phá hoại lợi ích và ám sát quan chức Iran nhưng không tuyên bố nhận trách nhiệm. Trong khi đó, Iran lại khuyến khích các đồng minh trong khu vực thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vạch ra 2 kịch bản dành cho Iran trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9 (Ảnh: AP).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vạch ra 2 kịch bản dành cho Iran trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9 (Ảnh: AP).

Nhưng giờ đây, cả hai nước dường như đã sẵn sàng mạo hiểm cho một cuộc xung đột trực diện, kéo dài và vô cùng tốn kém. Trong khi Israel công khai tuyên bố sẽ khiến Iran phải hối tiếc sau vụ tập kích bằng tên lửa đêm 1/10 thì Iran cảnh báo Israel sẽ phải hứng chịu đòn trả đũa quy mô lớn nếu dám làm như vậy.

"Chúng ta đang chứng kiến một câu chuyện hoàn toàn khác. Israel đã có được sự thống nhất từ các tướng lĩnh, chuyên gia quân sự, các nhà phân tích và các chính trị gia rằng Israel cần phải đáp trả bằng vũ lực trước hành động tấn công của Iran", ông Yoel Guzansky, cựu quan chức phụ trách giám sát chiến lược của Iran trong Hội đồng An ninh Quốc gia Israel nhận định.

Báo New York Times đánh giá, với nhiều người Israel, nhà nước Do Thái gần như chẳng còn gì để mất.

Cuộc tập kích của Iran vào khu vực ngoại ô thủ đô Tel Aviv đã vượt qua lằn ranh đỏ mà Tehran trước đó chưa bao giờ vi phạm ngay cả trong đợt tấn công bằng tên lửa đầu tiên diễn ra hồi tháng 4.

Những người chỉ trích Israel thường coi nhà nước Do Thái là nguồn cơn chính gây bất ổn ở Trung Đông. Tuy nhiên, hầu hết người Israel lại cho rằng mình là nạn nhân của các cuộc tấn công từ các lực lượng thân Iran bao gồm Hamas ở Gaza, Houthi ở Yemen và Hezbollah ở Lebanon.

Người Israel luôn lo ngại chính quyền Do Thái chưa đủ quyết liệt để bảo vệ họ. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người Israel muốn chính phủ buộc Tehran phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công do các nhóm phiến quân nói trên gây ra ngay cả khi điều đó có thể khiến giao tranh trong khu vực bùng phát trên diện rộng.

Trong các cuộc trao đổi với chính quyền Israel, Mỹ luôn hối thúc Israel cần có sự kiềm chế và viện dẫn thiệt hại không đáng kể trong cuộc tập kích bằng tên lửa của Iran đêm 1/10 để bảo vệ quan điểm của mình. Song, những lời hối thúc của Mỹ dường như không tác động nhiều đến Israel.

Toan tính của Israel khi "chơi tất tay" với Iran

Cuộc đáp trả lần này của Israel được cho là sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những gì Israel đã làm sau đợt không kích bằng tên lửa đầu tiên của Iran hồi tháng 4, thời điểm Israel chỉ tấn công có giới hạn vào các hệ thống phòng không của Iran và không chính thức thừa nhận hành vi đó.

Đọt không kích dữ dội của Israel vào Hezbollah trong vài tuần qua khiến họ tin rằng Iran sẽ không thể nhờ cậy đến Hezbollah trong trường hợp bị Israel tấn công (Ảnh: AP).

Đọt không kích dữ dội của Israel vào Hezbollah trong vài tuần qua khiến họ tin rằng Iran sẽ không thể nhờ cậy đến Hezbollah trong trường hợp bị Israel tấn công (Ảnh: AP).

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, giới chức Israel đã phàn nàn với Washington rằng phản ứng của họ hồi tháng 4 là quá nhẹ nhàng và kiềm chế. Các nhà lãnh đạo Israel nhận định họ đã sai lầm khi nghe theo lời kêu gọi kiên nhẫn hơn của Mỹ.

Bà Sima Shine, cựu quan chức cấp cao tình báo Israel, cho hay ngày càng có nhiều người Israel sẵn sàng chấp nhận những nguy cơ ngắn hạn để đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh dài hạn. Họ mong muốn chính quyền phải làm những điều chưa từng làm trong quá khứ do lo ngại Israel không thể chống chọi nổi các cuộc tấn công từ mọi phía.

"Đây có thể coi là một phần trong những tính toán sai lầm của những đối thủ trong khu vực. Họ không hiểu nổi cuộc tấn công ngày 7/10/2023 đã tác động như thế nào đến người dân Israel, đến việc họ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro ngày càng cao hơn", bà Shina đánh giá.

Israel dường như đánh giá Iran dễ bị tổn thương hơn so với nhiều năm trước đây. Sau vụ Israel sát hại nhiều thủ lĩnh và chỉ huy Hezbollah và phá hủy phẩn lớn kho vũ khí tên lửa của lực lượng này trong những tuần gần đây, Iran đã không còn có thể dựa vào sự hỗ trợ của Hezbollah trong trường hợp bị Israel tấn công.

Những tuyên bố gần đây của giới chức Israel cũng cho thấy tham vọng và sự tự tin của họ ngày một lớn dần.

Sau vụ tấn công của Iran đêm 1/10, ông Netanyahu đã tuyên bố đanh thép: "Đêm nay, Iran đã mắc phải sai lầm lớn và họ sẽ phải trả giá. Israel đang có động lực mạnh. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để duy trì động lực này".

Song một số chuyên gia cảnh báo, Israel đang mạo hiểm khi đánh giá thấp sự quyết tâm của Iran trong khi lại quá đề cao năng lực của bản thân.

"Trong suốt hơn 75 năm qua, cách tiếp cận của Israel luôn là tấn công mạnh mẽ hơn những gì đối thủ đã làm. Điều đó đã không có tác dụng đối với Iran và tôi không nghĩ Israel đủ sức răn đe. Chính vì thế, Israel có thể gây ra những tổn hại trong ngắn hạn nhưng không thể tạo ra sự thay đổi trong dài hạn.

Tôi vẫn chưa thấy chiến lược của họ. Tôi chỉ muốn nhận được câu trả lời từ phía Israel cho câu hỏi - chiến lược làm suy yếu Iran của họ là gì?", ông Andreas Krieg, chuyên gia chiến tranh tại Đại học King's College, London, Anh, hoài nghi.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/israel-da-san-sang-tat-tay-voi-iran-sau-vu-tap-kich-ten-lua-192241003105825642.htm