Israel: kẻ 'phá vỡ' lệnh ngừng bắn mới tại Syria?

Lệnh ngừng bắn mà Mỹ, Nga rất vất vả mới tìm được tiếng nói chung, có thể sẽ 'mở đường' cho một cuộc chiến mới?

Lệnh ngừng bắn mới tại tây nam Syria vừa có hiệu lực vào tuần trước, chắc chắn sẽ được nhiều người dân Syria hoan nghênh. Tuy nhiên, Shmuel Rosner, nhà báo chính trị của báo The Jewish Journal, học giả cấp cao tại Viện chính sách con người Do thái viết trên tờ New York Times rằng, xét những điều kiện hiện tại, lệnh ngừng bắn này sẽ đem lại nhiều thách thức cho Israel. Theo Rosner, giống các quốc gia khác, Israel có lẽ cũng mong đợi cuộc xung đột đẫm máu tại Syria đi đến hồi kết. Tuy nhiên, điều này không thay thế cho một chiến lược, và nếu Mỹ không có được một chiến lược cụ thể cho Syria, thỏa thuận ngừng bắn có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Israel và dẫn đến tình trạng mất ổn định hơn nữa cho khu vực Trung Đông.

Israel mong muốn một thỏa thuận lâu dài

Nga và Mỹ là hai kiến trúc sư của lệnh ngừng bắn, ngoài ra còn có sự tham gia của Jordan. Israel cũng được tham khảo ý kiến nhưng không có vai trò chính thức nào. Tuy nhiên, thỏa thuận này liên quan đến một phần lãnh thổ mà Israel có lợi ích trọng yếu: khu vực biên giới giữa Syria và phần cao nguyên Golan mà Israel đang nắm giữ. Trên mảnh đất này, các lực lượng đối lập Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn chiếm ưu thế. Một số lực lượng được cho là nhận sự hậu thuẫn từ Israel, có “nhiệm vụ” ngăn ngừa những nhóm vũ trang chịu ảnh hưởng hoặc do Iran “điều khiển”, tiến tới gần biên giới của Israel. Và việc Iran là một trong những nỗi lo ngại an ninh lớn nhất của Israel đã không còn là một điều lạ lẫm cho bất kỳ ai.

Trước mắt, lệnh ngừng bắn có thể sẽ tạm “đóng băng” những căng thẳng giữa hai quốc gia. Israel kiểm soát Cao nguyên Golan, các lực lượng nổi dậy nắm giữ khu vực biên giới; quân đội của ông Assad với sự hậu thuẫn của Iran và nhóm du kích Hezbollah chiếm ưu thế ở phía đông - chỉ cách biên giới Isreal vài dặm. Một thỏa thuận lâu dài, có lẽ mới chính là những gì Israel mong muốn.

Tuy nhiên, hầu như không có một chiến lược gia hay quan chức quân đội Israel nào tin rằng, lệnh ngừng bắn trên có thể kéo dài. Những đụng độ mới xảy ra, sự thiếu cơ chế kiểm soát… bất kỳ lý do nào cũng có thể khiến thỏa thuận ngừng bắn đi vào tình trạng xói mòn, và sau đó là kết thúc. Rosner phân tích, những gì Israel nhìn thấy là các lực lượng của Iran và Hezbollah vẫn đang hoạt động trong khu vực giữa Damascus và Cao nguyên Golan. Đối với Israel, đây là một quá trình khiến Iran và các đồng minh của mình có thể củng cố sức mạnh, và dần nắm quyền kiểm soát những khu vực chiến lược tại Syria, bao gồm cả phần lãnh thổ sát biên giới với Israel.

Thiếu niềm tin vào cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn

Theo nhà báo Rosner, dưới góc độ của Israel, lệnh ngừng bắn đem đến lợi thế cho Tổng thống Assad, Tổng thống Nga Vladimir Putin; và cả Iran. Còn Israel chính là bên có thể phải nhận nhiều mất mát nhất. Một thỏa thuận ngừng bắn chỉ có thể duy trì lâu dài nếu kèm theo một cơ chế giám sát hiệu quả. Tuy nhiên, hiện không có một cơ chế nào có thể gây được lòng tin tối đa từ Israel. Chắc chắn không phải Tổng thống Assad với những kết nối rõ ràng với Iran; không phải là Hezbollah – kẻ thù của Israel và được coi là “đại diện” của Iran; và dĩ nhiên không phải là Iran. Tất cả 3 yếu tố trên đều có chung một mục đích: dần giảm bớt sự hiện diện của các lực lượng đối lập tại khu vực biên giới, cho đến khi khiến họ biến mất hoàn toàn.

Một bình lính thuộc lực lượng nổi dậy tại Syria (ảnh: NYT)

Tuy nhiên, Israel dường như cũng không đặt niềm tin vào một lực lượng quốc tế nào, trong đó bao gồm cả nước Nga của Tổng thống Putin. Lợi ích của Moscow chưa bao giờ rõ ràng, và liên minh Nga – Iran tại Syria, càng khiến nước này “mất điểm” trong mắt chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Rosner nhận định, cho đến thời điểm này, ông Putin tỏ ra khá cân nhắc những lo ngại của Israel, và các kênh liên lạc giữa các quốc gia đang vận hành khá tốt – thế nhưng, nó vẫn là chưa đủ để chứng minh, người Nga sẽ không đứng yên trước sự “bành trướng” của Iran. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của các nhà ngoại giao Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên tờ Foreign Policy, một số người đã nghi ngờ việc Moscos có thể đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của lệnh ngừng bắn hay không.

Hiện chưa có một ứng cử viên nào thật sự nổi bật cho vai trò giám sát lệnh ngừng bắn, kể cả Israel. Các nhà lãnh đạo của nước này liên tục tuyên bố “những ranh giới đỏ” tại Syria. Thủ tướng Netanyahu từng phát biểu trước nội các cùa mình, “ngăn chặn Hezbollah gia tăng ảnh hưởng tại Syria bằng cách thâu tóm những vũ khí hiện đại nhất, ngăn chặn Hezbollah thiết lập căn cứ gần biên giới của Israel và ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Iran trên toàn lãnh thổ Syria.” Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Avigdor Lieberman khẳng định: “Chúng tôi giữ trách nhiệm đặc biệt đối với sự an ninh của người dân Israel, do vậy quyền tự do hành động của chúng tôi là tuyệt đối. Chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì cần phải làm.”

Nguy cơ một cuộc chiến còn nguy hiểm hơn, và giải pháp thích hợp nhất

Tuy nhiên, “quyền tự do hành động” không bao giờ là “tuyệt đối”, nhà báo Rosner chỉ ra. Những hành động của Israel có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ của lệnh ngừng bắn mà hai siêu cường Mỹ, Nga đã rất “vất vả” để có thể tìm được tiếng nói chung. Những hành động đó có thể trở nên phức tạp hơn nếu phía Nga hiện diện tại khu vực biên giới Israel với lý do kiểm soát lệnh ngừng bắn. Nó cũng có thể phức tạp hơn nếu Mỹ không thể thuyết phục Nga kiềm chế kế hoạch của Iran, nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Syria. Trong trường hợp này, Israel có thể rơi vào một tình thế “khó nhằn”: phải hành động và đối mặt với khả năng rơi vào một cuộc xung đột liên quan đến Iran, Lebanon, Syria và cả Nga – hoặc “để mặc” Iran đạt thêm một mục tiêu nữa là đặt chân lên ngưỡng cửa của Israel.

Các nhà hoạch định chính sách của Israel tin rằng, chỉ có một giải pháp phù hợp cho thách thức chiến lược này, đó là nước Mỹ trở lại vai trò của một siêu cường hàng đầu thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc, những hành động của nước Mỹ tại khu vực không chỉ hướng tới một kết thúc hòa bình cho cuộc xung đột Syria, hay thực hiện mục tiêu đánh bại lực lượng khủng bố IS. Rosner nhận định, Israel hy vọng, Washington với tư cách là một siêu cường, sẽ đầu tư cho một kế hoạch lâu dài, nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thậm chí còn nguy hiểm hơn. Nước Mỹ cần tính toán một chiến lược lớn cho Syria.

(Theo NY Times)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/israel-ke-pha-vo-lenh-ngung-ban-moi-tai-syria-247176.html