ITS 38,5 triệu USD cao tốc TP HCM - Trung Lương 'chết yểu'?
ITS (hệ thống giao thông thông minh) của cao tốc TP.HCM-Trung Lương được đầu tư hơn 38 triệu USD đang 'chết lâm sàng', nhiều hạng mục hư hỏng...
Phần mềm bị lỗi, cả hệ thống tê liệt
Ngày 22/10, PV Báo Giao thông có mặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) trên cao tốc TP HCM - Trung Lương tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tại đây có một màn hình LCD lớn bằng bức tường, trong đó gồm nhiều màn hình nhỏ kết với nhau. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 màn hình LCD nhỏ ở hai bên còn hoạt động, ghi nhận trực tiếp hình ảnh từ hệ thống cao tốc truyền về, ở giữa, 25 màn LCD tắt lịm, đen sì, chỉ hiện lên dòng chữ “no signal”.
Bên dưới có khoảng chục máy tính, là nơi tiếp nhận dữ liệu từ máy chủ cũng không hoạt động. Một cán bộ trực ở đây cho biết, phần mềm hư hỏng nên chỉ tiếp nhận hình ảnh từ hiện trường về, không thể điều chỉnh gì được. Hệ thống server VST hỏng mainboard, phần mềm liên tục bị lỗi và đến nay không chạy.
Cục Quản lý đường bộ 4 vẫn bố trí kỹ thuật trực 24/24h, với 3 ca, mỗi ca 3 người, nhưng cũng chỉ để nắm tình hình, không giám sát được chi tiết tình hình giao thông trên tuyến. “Trước đây, cán bộ trực tại trung tâm có thể điều chỉnh camera ở ngoài đường xoay 180 độ để quan sát, hoặc khi có sự cố xảy ra có thể điều chỉnh cận lại để xem, thế nhưng đến nay không điều khiển được”, cán bộ này nói.
Đi dọc tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương những ngày gần đây, lượng phương tiện tăng gấp 3 lần so với trước. Các xe xếp hàng chạy, tốc độ khá thấp, chỉ khoảng 60km/h chứ không đạt 100km/h như trước. Phương tiện đông, trong khi hệ thống bảng điện tử bị hư hỏng, nên không cập nhật được tình hình giao thông lên các bảng điện tử.
Tìm hiểu của PV, Trung tâm ITS cao tốc Trung Lương - TP HCM có 14 bảng điện tử được lắp đặt dọc tuyến, trong đó có 8 bảng ở trên tuyến chính và 6 bảng trên đường dẫn. Hiện 3 bảng trên tuyến chính và 3 bảng trên tuyến dẫn bị hư hỏng do đứt cáp, nguồn điện không ổn định. Hơn nữa, phần mềm đã bị lỗi nên không thể cập nhật các thông tin mới lên các bảng này. Trên toàn tuyến có 38 camera, nhiều chiếc đã hư hỏng, không sử dụng được. Có 30 bộ thiết bị đếm xe tự động đến nay cũng bị hỏng do mất nguồn, lỗi camera. Dù đã được sửa chữa nhưng vẫn tiếp tục bị hư hỏng.
Phương án nào sửa chữa?
“
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 cho biết, vừa có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ VN về kế hoạch sửa chữa hệ thống ITS của cao tốc TP HCM - Trung Lương và đã được ghi kế hoạch vốn vào năm 2020. Dự kiến kinh phí sửa chữa để vận hành lại hệ thống khoảng 15 tỷ đồng. Trong thời gian này, Cục Quản lý đường bộ 4 kiến nghị cho phép sửa chữa đột xuất với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1, chạy lại phần mềm của hệ thống ITS để thực hiện ngay trong năm 2019.
”
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, hệ thống ITS đường cao tốc TP HCM - Trung Lương trước đây là một hợp phần của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Toàn bộ thiết bị và công nghệ đều sử dụng của Hàn Quốc. Sau khi hết hạn bảo hành, đối tác Hàn Quốc bàn giao cho Việt Nam sử dụng nhưng không giao mã nguồn phần mềm, vì vậy muốn sửa chữa phải mời các chuyên gia từ Hàn Quốc sang. Thậm chí, khi các thiết bị hư hỏng, cán bộ kỹ thuật của trung tâm mua thiết bị về lắp đặt, hệ thống cũng yêu cầu có mã nguồn mới cho cài đặt. “Mỗi lần như vậy chi phí mất gần 200 triệu đồng, rất tốn kém”, ông Hưng nói.
Nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng, theo Cục quản lý đường bộ 4 là do hệ thống trên sau khi được nhà thầu Hàn Quốc bàn giao không có chi phí bảo dưỡng, bảo trì hàng năm. Khi xảy ra hư hỏng không kịp thời sửa chữa dẫn đến hư hỏng phát sinh. Các bảng mạch tại các tủ điều khiển bị ẩm, gây cháy nổ khi sửa chữa thay thế. Những thiết bị thay thế đắt tiền hoặc thiết bị độc quyền của nhà sản xuất phải đặt hàng ở nước ngoài, các hư hỏng phần mềm Traffic Managenment, máy chủ Server VST phải liên hệ với nhà sản xuất ở Hàn Quốc nhiều lúc rất khó khăn, dẫn đến hư hỏng dây chuyền.
Trung tâm ITS cao tốc TP HCM - Trung Lương là dự án giao thông thông minh đầu tiên áp dụng trên đường cao tốc ở Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 38,525 triệu USD (tương đương 803,627 tỉ đồng) từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Đây còn được thiết kế để sau này trở thành trung tâm tích hợp của hệ thống ITS cao tốc toàn bộ khu vực phía Nam. Thế nhưng, khi nhìn vào hệ thống hiện nay, khó ai có thể hình dung một dự án đã ngốn nguồn kinh phí lớn nhưng giờ đang “chết lâm sàng”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 cho biết, đã nhiều lần gửi báo cáo ra Tổng cục Đường bộ VN đề nghị cấp kinh phí sửa chữa hệ thống ITS và tổng cục cũng cử các đoàn khảo sát để có hướng xử lý.
Theo đề xuất có 2 hướng, là cài đặt lại phần mềm Traffic Manegement và phần mềm máy chủ Sever VTS của hệ thống đang sử dụng. Phương án này chỉ thay thế những phần bị lỗi, bị hỏng và cài đặt lại phần mềm quản lý của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhược điểm là vẫn phải sử dụng theo công nghệ cũ, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp cũ, chuyên gia của hãng, không nắm được hết các tài liệu, đĩa cài đặt phần mềm và thời gian khắc phục sẽ lâu.
Phương án 2 mà Cục 4 đề xuất là đầu tư hệ thống phần mềm mới, thiết bị quản lý theo hướng nội địa hóa để chủ động về công nghệ, xử lý vận hành và sửa chữa nhanh lâu dài về sau.Theo các chuyên gia công nghệ trong nước, có thể sử dụng các thiết bị đang có của trung tâm ITS cao tốc TP HCM - Trung Lương, chỉ cần cài đặt lại phần mềm mới. Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong khẳng định, các đơn vị trong nước hoàn toàn có thể xây dựng lại phần mềm mới để khai thác tốt và lâu dài hơn.
TNGT trên cao tốc TP HCM - Trung Lương tăng cao
Thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 cho thấy, số vụ TNGT trên cao tốc TP HCM từ đầu năm 2019 đến nay tăng cao. Cụ thể trong quý I có 43 vụ, va chạm giao thông làm 2 người chết, tăng 253% so với quý IV/2018 - thời điểm còn thu phí.
Quý II/2019 xảy ra 42 vụ làm 2 người chết. Quý II xảy ra 35 vụ, làm 2 người chết. So với quý IV/2018 tăng 105% số vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện đông, người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn.