J-16D Trung Quốc xuất hiện gần Đài Loan, cảnh báo về một cuộc tấn công
Các chuyên gia quân sự cho biết, việc Trung Quốc đưa J-16D đến gần Đài Loan có thể là dấu hiệu Bắc Kinh muốn sử dụng vũ lực để lấy lại hòn đảo này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, họ đã phát hiện và theo dõi 13 máy bay quân sự thuộc không quân Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này trong ngày 24/1. Nhóm máy bay này bao gồm 8 tiêm kích J-16, một máy bay chống ngầm Y-8, hai máy bay ném bom chiến lược H-6 và hai máy bay tác chiến điện tử J-16D.
Cũng theo phía Đài Loan đây là lần đầu tiên họ ghi nhận máy bay tác chiến điện tử tiên tiến của Trung Quốc hoạt động gần hòn đảo này. Sự xuất hiện của J-16D là một dấu hiệu đáng lo ngại khi nó có thể vô hiệu hóa thông tin liên lạc, radar cảnh giới và làm “mù” hệ thống phòng không đối phương trước một cuộc tập kích đường không.
Theo truyền thông Đài Loan, J-16D là phiên bản mới nhất của dòng tiêm kích đa năng J-16 do Trung Quốc tự phát triển. Nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2015, trước đó không quân Trung Quốc chưa từng triển khai J-16D gần Đài Loan.
Mỗi chiếc J-16D có thể mang theo tới 4 hệ thống tác chiến điện tử khác nhau được thiết kế để ngăn chặn hệ thống phòng không đối phương và làm gián đoạn hệ thống liên lạc trên băng tần EM. Ngoài ra J-16D cũng có thể triển khai cả tên lửa chống radar.
Fu Qianshao, một chuyên gia về không quân Trung Quốc nhận xét về J-16D khi trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post rằng: “J-16D có thể giúp Bắc Kinh giành lợi thế trong một cuộc chiến bằng cách vô hiệu hóa các hệ thống điện tử của đối phương, đến ngay sau đó là các cuộc tấn công bằng đường không.”
Nhìn chung J-16D có các tính năng tượng tự như dòng máy bay tác chiến điện tử E-18 Growler của hải quân Mỹ - ngay Growler cũng được phát triển dựa trên dòng tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Hornet. Khác với Mỹ và Trung Quốc, người Nga không bao giờ xây dựng một mẫu máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng. Thay vào đó, họ sử dụng các pod áp chế điện tử hoặc tên lửa riêng biệt cho một số dòng chiến đấu cơ.
Quay lại sự kiện ngày 24/1, không quân Đài Loan đã điều động một số chiến đấu cơ lên trên không để đánh chặn nhóm máy bay Trung Quốc cho đến khi lực lượng này rời khỏi vùng ADIZ của Đài Loan.
Về cơ bản các hoạt động như trên của không quân Trung Quốc có thể được xem là vi phạm không phận Đài Loan đồng thời tạo ra mối đe dọa về một cuộc tấn công chớp nhoáng từ phía Bắc Kinh.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, nhóm máy bay Trung Quốc hoạt động ở vùng ADIZ nằm giữa Đài Loan và đảo Pratas ở phía bắc Biển Đông. Xa hơn về phía nam, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ là USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln cũng đang có hoạt động diễn tập quân sự chung với lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.