J-20 Trung Quốc bay với động cơ nội địa, Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu
Trong khi Ấn Độ vẫn đang loay hoay mua công nghệ sản xuất động cơ máy bay thì Trung Quốc đã trình diễn J-20 bay với động cơ sản xuất trong nước.
Trong khi Ấn Độ đang chờ Mỹ cung cấp động cơ cho các máy bay chiến đấu của mình, thì Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 tiến tiến của nước này, đã được trang bị động cơ phản lực nội địa WS-15.
Hình ảnh và video xuất hiện trên mạng xã hội gần đây cho thấy máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc được trang bị hai động cơ phản lực WS-15 mới và đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên.
Theo các báo cáo, chuyến bay đầu tiên của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 diễn ra vào ngày 28/6. Chuyến bay được thực hiện từ sân bay thử nghiệm chính của tập đoàn Thành Đô, nằm cạnh cơ sở sản xuất của tập đoàn tại thành phố cùng tên.
Sau khi hoàn thành chuyến bay, hình ảnh của chiếc máy bay J-20 với động cơ WS-15 đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông. Trong một hình ảnh, có thể nhìn thấy một biểu ngữ hiển thị số 15, ám chỉ sự hiện diện của các động cơ WS-15 trên máy bay.
Động cơ WS-15 đã được điều chỉnh cẩn thận để đáp ứng các yêu cầu của J-20 và nhằm thay thế cho động cơ WS-10 đang được sử dụng hiện tại. J-20 được coi là loại máy bay chủ lực của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong tương lai.
Các nguyên mẫu J-20 ban đầu hoạt động nhờ động cơ phản lực cánh quạt AL-31 được cung cấp bởi Nga. Tuy nhiên, để giảm sự phụ thuộc vào Moskva, Bắc Kinh đã tích cực nỗ lực phát triển và làm chủ công nghệ cần thiết để sản xuất động cơ của riêng mình.
Động cơ WS-15
Động cơ WS-15 có lực đẩy ấn tượng lên tới 181 kilonewton và sẽ mang lại hiệu suất đáng kể cho máy bay chiến đấu J-20. Một trong những ưu điểm chính mà động cơ WS-15 sở hữu là khả năng siêu hành trình, cho phép máy bay đạt được tốc độ hành trình siêu thanh mà không cần đến động cơ đốt sau.
Tính năng tiên tiến này không chỉ nâng cao tốc độ và khả năng cơ động của J-20 mà còn giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian kéo dài.
Sự phát triển và quá trình chế tạo của động cơ WS-15 đã được bảo vệ chặt chẽ và giữ bí mật, khiến công chúng có rất ít thông tin về khả năng của loại động cơ này. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hình ảnh công khai nào giới thiệu nguyên mẫu hoặc mô hình mô phỏng quy mô đầy đủ của động cơ WS-15.
Theo Tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, sự phát triển của động cơ WS-15 là cơ sở quan trọng để Trung Quốc phát triển những dự án về hàng không có tiềm năng lớn hơn trong tương lai.
Tiến bộ này được coi là rất quan trọng đối với Trung Quốc, vì nó đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc phát triển các nền tảng máy bay chiến đấu trên không thế hệ thứ sáu và đặc biệt là nâng cao chất lượng cho lực lượng không quân của Trung Quốc.
Tiến sĩ Davis cũng lưu ý với không quân Úc rằng, không chỉ nên dựa vào những chiếc F-35 cho đến những năm 2040, mà cũng cần phải chủ động phát triển các khả năng chiến đấu trên không tiên tiến để đáp ứng những thách thức trong tương lai một cách hiệu quả.
Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào động cơ nước ngoài
Cuộc thử nghiệm gần đây của máy bay J-20 với động cơ WS-15 là một thành tựu ấn tượng của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, đặc biệt là xét đến sự phức tạp của quá trình phát triển động cơ, yêu cầu về kiến thức kỹ thuật tiên tiến và các khoản đầu tư đáng kể.
Thành công này thậm chí còn nổi bật hơn khi được so sánh với nhiều quốc gia như Ấn Độ và Hàn Quốc, những nước này vẫn đang vật lộn để phát triển động cơ của riêng mình và vẫn phải dựa vào các động cơ từ nước ngoài cho các máy bay chiến đấu được phát triển trong nước.
Gần đây, New Delhi đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với General Electric (GE) để cho phép sản xuất động cơ phản lực GE F414 ở Ấn Độ, loại động cơ dành cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Mk2. Thỏa thuận sắp hoàn tất, chỉ còn lại một số điều khoản thương mại được hoàn thiện và chờ Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Người ta đã xác nhận rằng khoảng 80% công nghệ sản xuất sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các công nghệ quan trọng cho quốc gia này. Sau khi hợp đồng được ký kết, ước tính sẽ mất ba năm để động cơ đầu tiên được sản xuất.
Trong một bài báo gần đây, các chuyên gia đã nói chuyện với EurAsian Times bày tỏ quan điểm của họ về thỏa thuận này, họ nói rằng mặc dù nó sẽ giải quyết khoảng cách trong sản xuất máy bay với Trung Quốc và tăng cường khả năng phòng thủ, nhưng nó có thể dẫn đến hạn chế cho các thiết kế máy bay trong tương lai và cần phải có sự điều chỉnh phù hợp với các động cơ nhập khẩu này.
Điều này có khả năng sẽ cản trở tiến độ chương trình phát triển động cơ nội địa của Ấn Độ và sẽ là bước thụt lùi trong quá trình tự chủ lĩnh vực quan trọng này của New Delhi.
Do đó, sự so sánh giữa hai cường quốc châu Á cho thấy một sự tương phản rõ rệt, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chế tạo động cơ nội địa trong khi Ấn Độ tiếp tục đối mặt với những thách thức và phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu.