Kẻ bắt cóc bé trai 7 tuổi đối diện hình phạt nào?
Đối tượng gây án là Nguyễn Đức Trung khi bị truy đuổi đã dùng súng chống trả khiến một chiến sĩ Công an bị thương. Kẻ thực hiện hành vi phạm tội một cách táo tợn, liều lĩnh khiến nhiều người hết sức bàng hoàng, gây hoang mang dư luận.
Trước đó, hồi 19h40 ngày 14/8, Công an phường Việt Hưng tiếp nhận tin báo từ gia đình chị Đ.T.H (trú tại: khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) về việc con trai chị H (sinh năm 2016) bị một đối tượng nam giới đeo khẩu trang bắt, đưa lên xe ô tô khi đang đi xe đạp tại khu vực gần nhà. Sau đó, chị H nhận được điện thoại yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để “chuộc” con.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an Thành phố đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ về Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Thành phố, trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường với quyết tâm nhanh nhất giải cứu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cháu bé.
Sau gần 10 tiếng trắng đêm, đến khoảng 5h ngày 15/8/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an quận Long Biên và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ được đối tượng gây án là Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1992; quê quán: huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), giải cứu thành công cháu bé về với gia đình bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Liên quan đến vụ vệc này, theo Luật sư Nguyễn Hoàng ( Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi của đối tượng có dấu hiệu cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Đối với người dưới 16 tuổi; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự… bị phạt tù từ 5-12 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Tài sản bị chiếm đoạt có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên; Hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả làm chết người… thì bị phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân
Cũng theo Luật sư Nguyễn Hoàng, việc chiếm đoạt tài sản có được thực hiện trót lọt hay không, người phạm tội có nhận được tài sản hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định có cấu thành nên tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Chỉ cần người phạm tội đã có ý thức chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm đạt được mục đích đó thì được coi là tội phạm đã hoàn thành.
Bên cạnh đó, hành động dùng súng chống trả khiến một cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên bị thương, cơ quan Công an sẽ xem xét hành vi sử dụng súng của đối tượng nhằm chống trả lực lượng Công an để xử lý theo quy định...
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ke-bat-coc-be-trai-7-tuoi-doi-dien-hinh-phat-nao-159348.html