Kê biên hàng loạt nhà đất, cổ phiếu của cựu lãnh đạo VEAM
Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên nhiều nhà đất, cổ phiếu của các cựu lãnh đạo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM).
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố với ông Trần Ngọc Hà (cựu Tổng giám đốc VEAM) và 6 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
6 bị can khác gồm Lâm Chí Quang (SN 1954, cựu Tổng giám đốc VEAM), Vũ Từ Công (SN 1968, cựu Phó Tổng giám đốc VEAM), Nguyễn Mạnh Chung (SN 1977, cựu Trưởng phòng kỹ thuật đầu tư VEAM, giám đốc Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp – Tamac), Vũ Quang Tâm (SN 1963, cựu Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT VEAM), Đào Quốc Việt (cựu giám đốc CTCP Vận tải và thương mại VEAM- Vetranco) và Trần Quang Tiến (SN 1970, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Nam).
Cơ quan điều tra kê biên nhà đất tại quận Ba Đình, Hà Nội và phong tỏa số lượng 102.400 cổ phiếu VEA, 10.000 cổ phiếu FBC của ông Trần Ngọc Hà tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Đối với bị can Lâm Chí Quang bị kê biên căn hộ tại Khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ (ở quận Đống Đa, Hà Nội), căn hộ ở Khu đô thị mới Bắc An Khánh và phong tỏa 6.000 cổ phiếu FBC.
Cơ quan điều tra đã kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Mạnh Chung và phong tỏa 7.000 cổ phiếu FT1. Kê biên nhà đất của bị can Vũ Từ Công, phong tỏa 1.500 cổ phiếu VEA, 10.000 cổ phiếu FBC, 10.000 cổ phiếu FT1.
Bị can Đào Quốc Việt bị phong tỏa 5.472 cổ phiếu PGI. Phong tỏa số lượng 13.376 cổ phiếu BLI, 8.436 cổ phiếu SMB của bị can Trần Quang Tiến.
Riêng bị can Vũ Quang Tâm đã tự nguyện khắc phục số tiền 7 tỷ đồng.
Theo kết luận, ngoài 7 bị can bị đề nghị truy tố còn một số cá nhân khác thuộc Phòng kinh doanh, Phòng tài chính VEAM có hành vi hoàn thiện các thủ tục, ký các chứng từ thanh toán, chuyển tiền. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng họ đều là nhân viên cấp dưới, thực hiện theo nhiệm vụ được phân công và theo chỉ đạo của cấp trên nên chưa đến mức bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Còn các cá nhân thuộc Hội đồng thành viên của VEAM gồm ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐTV và các thành viên khác chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu nhà nước về bảo toàn vốn (Bộ Công thương) nhưng không phát hiện hành vi của Trần Ngọc Hà và Vũ Quang Tâm, gây thiệt hại cho nhà nước.
Cơ quan điều tra xét thấy sự việc sai phạm diễn ra trong thời gian ngắn, các bị can ký thỏa thuận, chuyển tiền đặt cọc không báo cáo HĐTV. Khi phát hiện, HĐTV đã kiểm tra giám sát, ban hành nghị quyết yêu cầu làm rõ, xử lý sai phạm nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với các cá nhân này.
Kết luận thể hiện, ông Trần Ngọc Hà và đồng phạm đã thực hiện các hành vi như bảo lãnh thanh toán cho công ty con, phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung, phát triển xe ô tô tay lái bên phải trái quy định, gây thất thoát cho nhà nước số tiền 135 tỷ đồng.