Kể chuyện làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách 'Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội' do Giáo sư Trần Quốc Vượng và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo biên soạn, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, gồm hàng chục câu chuyện kể về tài năng sáng tạo của người dân Kẻ Chợ, tạo nên 'trăm nghề', 'trăm phường' đầy tự hào trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu giá trị về làng nghề, phố nghề của đất Thăng Long - Hà Nội.

Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu giá trị về làng nghề, phố nghề của đất Thăng Long - Hà Nội.

Công trình “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” do Giáo sư Trần Quốc Vượng và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo khảo cứu, biên soạn đã được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau đó, cuốn sách được tái bản nhiều lần, chỉnh sửa, bổ sung, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, gồm cả làng nghề, phố nghề của đất Hà Tây. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), để cuốn sách được tiếp nối giá trị lan tỏa tới hiện nay và mai sau, đồng thời tri ân Giáo sư Trần Quốc Vượng - người khai mở, dẫn đường, đặt nền tảng trong nghiên cứu Hà Nội học, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách này vào quý II-2024.

Cuốn sách “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” gồm 4 chương. Trong đó, chương I "Thăng Long - Hà Nội, đất thiêng của muôn đời" là những khái quát học thuật về Thăng Long - Hà Nội từ các kỷ địa chất cách ngày nay hàng triệu năm tới vị trí địa lý đắc địa, là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước; nơi tỏa vượng khí của núi sông, anh linh của đất trời; là vùng đất thiêng của muôn đời. Trong chương II "Đôi nét về nghề thủ công Việt Nam", các nhà biên soạn tiếp tục làm rõ, với nền tảng là trung tâm kinh tế lớn nhất và tiêu biểu của đất nước, với tài năng sáng tạo của người dân Kẻ Chợ, “trăm nghề”, “trăm phường” của Thăng Long - Hà Nội đã trở thành một bộ phận quan trọng, là một trong những nhân tố cấu thành văn minh, văn hóa Việt Nam.

Chiếm dung lượng lớn trong cuốn sách là chương III "Nghề, làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội" và chương IV "Nghề thủ công Thăng Long - Hà Nội". Các tác giả tập trung ghi chép, phục dựng chân thật, sống động Hà Nội “36 phố phường” phong phú, đa dạng. Lật giở từng trang sách, độc giả được tìm hiểu về những làng nghề tiêu biểu như Bát Tràng, Định Công, Thiết Ứng, Ngũ Xã, Triều Khúc, Bưởi, Yên Hòa…, cùng các phố nghề nổi tiếng như Hàng Trống, Hàng Thêu, Nhị Khê, Hàng Khay, Hàng Bừa… Các làng nghề, phố nghề đều được khắc họa toàn diện, từ sự hình thành, phát triển tới những đặc trưng dấu ấn, bản sắc. Quan trọng hơn, cuốn sách đưa ra những đánh giá thực trạng mang tính lịch sử - văn hóa của nghề thủ công Thăng Long - Hà Nội, việc phát triển trong công cuộc xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội và cả nước hôm nay. Phần Phụ lục cung cấp tới độc giả thông tin về các vị tổ nghề được phụng thờ; tổ nghề làm lược; các nghề đồng, gốm, dệt, rèn sắt, kim hoàn, khắc ván in, tạc tượng, sơn vẽ, chế tạo súng…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, đồng biên soạn cuốn sách cho hay, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, Hà Nội hôm nay vẫn giữ được những giá trị rất riêng như di sản làng nghề, phố nghề thủ công nghiệp truyền thống có thể định hình vào hệ thống di sản văn hóa đặc sắc để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa bền vững. Bởi vì, đây không chỉ là những di sản văn hóa trung tâm, tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến mà còn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

“Di sản văn hóa làng nghề, phố nghề hiện nay đã và đang được Hà Nội quan tâm phục dựng, tiếp nối đầu tư theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa nhưng trên thực tế vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng cũng như tận dụng mọi cơ hội; chưa tạo ra những thành tựu lớn, chưa định hình được phương cách cụ thể để chỉ dẫn cho thế hệ hôm nay và mai sau cùng thực hiện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo nhận định.

Cuốn sách góp phần giúp cho thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc về những di sản “tài khéo đất rồng”, di sản thủ công nghiệp làng nghề, phố nghề vô giá, để từ đó kế thừa, tận dụng đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là một trong những thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO).

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ke-chuyen-lang-nghe-pho-nghe-thang-long-ha-noi-672005.html