'Kẻ cứng đầu' đẩy Donald Trump vào thế khó trước cuộc gặp lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế khó ngay trước thềm cuộc gặp lịch sử với ông Tập Cận Bình quyết định về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Người đàn ông quyền lực cho rằng không bị ảnh hưởng bởi 'các lợi ích chính trị ngắn hạn'.
Gió đảo chiều bất ngờ
Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) bất ngờ chứng kiến một phiên giảm sâu chưa từng có trong tháng 6 với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 178 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,5% còn chỉ số tầm rộng S&P 500 mất 0,95%.
TTCK Mỹ đảo chiều đánh mất hết khí thế hừng hực đi lên ngay sau khi một loạt các quan chức cấp cao của Cục dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra những lời phát biểu đi ngược hoàn toàn với những mong muốn của ông Donald Trump.
Kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất của Mỹ giảm mạnh.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đàn ông quyền lực nhất trong hệ thống tài chính Mỹ, cho biết Fed sẽ sử dụng cách tiếp “đợi và xem” (wait-and-see) bởi kinh tế Mỹ thay đổi quá nhanh chóng thời gian qua.
Ông Powell cũng thẳng thừng tuyên bố, quyết định của Fed không bị ảnh hưởng bởi "các lợi ích chính trị ngắn hạn" (short-term political interests), một ngầm ý mà được nhiều người hiểu là mong muốn giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế trước cuộc bầu cử Mỹ của ông Donald Trump.
Lời lẽ của ông Jerome Powell được xem mạnh hơn rất nhiều so với so với trước đó và có thể khác với con người mà chính ông Donald Trump đánh giá. Trước đó, ông Trump được xem là người đã phá vỡ truyền thống 3 thập kỷ ở Nhà Trắng. Ông chính là người không đề cử bà Janet Yellen vào vị trí chủ tịch Fed nhiệm kỳ 2, thay vào đó là ông Jerome Powell vốn theo chiều hướng mềm mỏng hơn.
Trái ngược với kỳ vọng, Chủ tịch Fed Jerome Powell lại đưa ra những tuyên bố cứng rắn trong bối cảnh tổng thống Donald Trump gần đây gây áp lực rất lớn lên ngân hàng trung ương Mỹ.
Vì thế, ngay sau cuộc họp của Fed vừa qua, ông Trump có những lời chỉ trích nặng nề về hệ thống chính sách tiền tệ của Fed. Hành động của Fed ông Trump cho rằng như một “đứa trẻ bướng bỉnh” (stubborn child) vì đã không cắt giảm lãi suất.
“Hãy nghĩ thị trường sẽ như thế nào nếu Fed hành động đúng. Chỉ số Dow sẽ cao hơn hàng ngàn điểm, GDP sẽ tăng hơn 4%, thậm chí hơn 5%. Nhưng giờ họ cứng nhắc, như một đứa trẻ bướng bỉnh, trong khi chúng ta cần cắt giảm lãi suất, cần nới lỏng chính sách... để bù đắp lại những gì mà các nước khác đang làm (cắt giảm lãi suất) chống lại chúng ta”, ông Trump viết trên Twitter.
Vì thế mà gần đây, ông Trump tin rằng có thể giáng chức chủ tịch Fed Powell.
Cuối 2017, Tổng thống Donald Trump đã đề cử ông Jerome "Jay" Powell là chủ tịch tiếp theo của Fed, thay cho bà Janet Yellen, người kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018. Bà Jantt Yellen đã 4 lần tăng lãi suất kể từ cuối năm 2015 đến cuối 2017.
Gay cấn cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ
Không chỉ ông Powel, Giám đốc Fed chi nhánh St.Louis James Bullard cũng đã dội một gáo nước lạnh lên hy vọng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Mỹ trong năm nay. Trong cuộc họp tuần trước, ông Bullard là người duy nhất bỏ phiếu ủng hộ giảm lãi suất, trong khi 9 thành viên còn lại trong ủy ban đều muốn giữ nguyên lãi suất.
Ông Bullard nhận định giảm lãi suất 50 điểm cơ bản “là quá đà” và mức 25 điểm là đủ. Tuy nhiên, ông này cũng không muốn đưa dự đoán trước các cuộc họp bởi tình hình có thể thay đổi rất nhiều.
Hiện tại, giới đầu tư chờ đợi một sự kiện quan trọng. Đó là hội nghị thượng đỉnh G20 quan trọng vào cuối tuần này (28-29/6). Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp mặt sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng 5 dẫn tới việc hai nước áp thuế và đe dọa áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.
Những diễn biến mới thực sự là một bất lợi cho ông Trump trong cuộc gặp với Trung Quốc sắp tới. Nền kinh tế Mỹ gần đây có những dấu hiệu chậm lại. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Conference Board vừa công bố hôm qua giảm 121,5 điểm xuống mức thấp nhất trong 1,5 năm qua.
Quyết định không cắt giảm lãi suất trong phiên họp tuần trước và những tuyên bố của Fed vừa đưa ra có thể tạo ra sự đối đầu giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell và ông Donald Trump.
Trước đó, một số nguồn tin cho rằng, ông Trump đã yêu cầu các luật sư Nhà Trắng tìm cách giáng chức Chủ tịch Fed trong bối cảnh các chính sách của Fed khá cứng rắn và đi ngược với mong muốn của người đứng đầu Nhà Trắng.
Với những đòn tấn công vào các doanh nghiệp công nghệ như Huawei, ông Trump đã có những lợi thế nhất định trước Trung Quốc. Bắc Kinh đã có những bước lui nhất định. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc vẫn khá cứng rắn cho rằng, nếu Mỹ muốn đàm phán thì phải dẹp bỏ hết hàng rào thuế quan.
Mặc dù vậy, ông Trump vẫn có những tính toán riêng của mình. Theo CNBC, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ông Trump cảm thấy “thoải mái với bất kỳ kết quả nào” sau cuộc gặp với ông Tập sắp tới và xem cuộc gặp với ông Tập là cơ hội để quan sát vị thế của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Con đường cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump cũng được nhiều người ủng hộ. Gần đây, hơn 600 công ty Mỹ ký thư ủng hộ ông Trump đánh thuế Trung Quốc với lập luận rằng việc đánh thuế đó giúp thúc đẩy việc làm tại Mỹ và làm giảm chi phí kinh doanh của họ.