Kế hoạch đầy tham vọng của Nga khi muốn tự thay thế Trạm vũ trụ quốc tế ISS
Tổng thống Vladimir Putin thông qua kế hoạch đầy tham vọng để Nga tự thay thế Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành kế hoạch bắt đầu xây dựng vệ tinh quỹ đạo có người lái để thay thế Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), dường như đang sắp hết hạn sử dụng.
Theo RT, trong những năm gần đây, ISS đã bắt đầu xuống cấp, các phi hành gia hiện thường xuyên phát hiện các vết nứt. Tuần trước, có thông tin tiết lộ rằng, các phi hành gia Nga vẫn đang làm việc để bịt lỗ rò rỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2019. Các vấn đề liên tục xảy ra với Trạm vũ trụ quốc tế đã khiến Nga bắt đầu tạo ra một thiết bị thay thế.
Được gọi là ROSS, vệ tinh quỹ đạo của Nga sẽ bao gồm ba đến bảy module và có thể chở tối đa bốn người. Mặc dù chỉ mới được Tổng thống Putin phê duyệt hôm 12.4, nhân kỷ niệm 60 năm chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ mang tính bước ngoặt của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin, dự án đã được thực hiện một thời gian.
Tháng 11 năm ngoái, phó tổng thiết kế thứ nhất của nhà thầu vũ trụ RSC Energia bày tỏ tin tưởng Nga cần bắt đầu xây dựng một trạm mới, nói rằng ISS đã sụp đổ.
“Cho đến năm 2025, Nga có nghĩa vụ tham gia vào chương trình ISS” - ông Vladimir Solovyov nói với Viện Hàn lâm Khoa học Nga. “Đã có một số phần bị hư hỏng nghiêm trọng và không còn hoạt động. Nhiều phần không thể thay thế được. Sau năm 2025, chúng tôi dự đoán hàng loạt thất bại trên ISS”.
Nga có lịch sử lâu đời trong việc chế tạo vệ tinh của riêng mình, với Sputnik 1 là vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo thấp của trái đất vào năm 1957. Năm 1986, Liên Xô phóng một trạm vũ trụ được sản xuất trong nước tên là Mir - là vệ tinh nhân tạo lớn nhất trên quỹ đạo vào thời điểm đó.
Tháng 5 năm ngoái, Cơ quan vũ trụ Nga Roscomos tiết lộ, ROSS có thể sẵn sàng triển khai sau năm 2024.
Bất chấp việc Nga sẵn sàng thực hiện một mình, Roscosmos đã tái khẳng định cam kết hợp tác quốc tế trong những tháng gần đây. Đầu tháng này, Nga ký kế hoạch tiếp tục hợp tác với Mỹ trong không gian và hai quốc gia sẽ sử dụng tên lửa của nhau để vào vũ trụ.
Roscosmos cũng đã ký một thỏa thuận thăm dò mặt trăng với Trung Quốc vào tháng 3, và đồng ý chia sẻ một trạm mặt trăng với Bắc Kinh.
Trong khi không gian thường là nơi để cạnh tranh quốc tế, cả Washington và Moscow thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Ví dụ, đầu năm nay, các phi hành gia Mỹ đã tặng thực phẩm cho các đối tác Nga khi nguồn cung cấp từ trái đất bị trì hoãn.
Trạm vũ trụ quốc tế là phòng thí nghiệm duy nhất trên thế giới cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm dài hạn trong môi trường vi trọng lực. ISS liên tục có mặt con người kể từ tháng 11.2000. ISS dài 109m, rộng 75m - tương đương một sân bóng đá - và nặng 420 tấn. ISS bay ở độ cao khoảng 400km phía trên trái đất. ISS di chuyển với tốc độ khoảng 8km/giây, quay quanh trái đất khoảng 90 phút/vòng. Việc di chuyển từ bãi phóng ở Baikonur, Kazakhstan đến ISS bằng tàu Soyuz của Nga có thể mất từ 6-48 giờ, tùy thuộc vào quy trình phóng và vị trí của trạm trên quỹ đạo.