Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 1247 về Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào 1247/QĐ-TTg ngày 23/10/2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. (Ảnh tư liệu)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. (Ảnh tư liệu)

Mục đích của kế hoạch này là để triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Bản ghi nhớ) đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Cụ thể: Về mở mới, nâng cấp cửa khẩu và công trình xây dựng biên giới tại Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2016; Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 112/2014//NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan.

Phù hợp với Quy hoạch phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào thời kỳ 2019 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An. (Ảnh minh họa)

Cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch nêu rõ yêu cầu quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm đối với các bộ, ngành và địa phương biên giới Việt Nam - Lào để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Bản ghi nhớ; tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương biên giới và các tổ chức hữu quan triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Bản ghi nhớ, các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và Lào cho các cá nhân, tổ chức và thương nhân Việt Nam và Lào trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, ấn phẩm, chuyên trang liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại biên giới; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn liên quan đến nội dung Bản ghi nhớ.

Về xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào: Nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng của các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào; Hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới; Thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào; Rà soát các loại hình hạ tầng thương mại biên giới cần nâng cấp, cải tạo và danh mục hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng.

Cơ quan đầu mối trao đổi thống nhất với phía Lào danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần ưu tiên xây dựng phù hợp quy hoạch của mỗi địa phương biên giới theo từng giai đoạn; lựa chọn ít nhất 01 loại hình hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng để báo cáo Chính phủ quyết định.

Đối với xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới bao gồm: Hai bên trao đổi, thống nhất tăng cường các hoạt động tổ chức và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Lào định kỳ ít nhất 01 lần 01 năm; Triển khai khuyến khích các hoạt động thương nhân Việt Nam và Lào tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới theo quy định hiện hành; Xây dựng cơ chế kết nối thông tin giữa thương nhân với cư dân biên giới hoạt động tại khu vực biên giới; kết nối thương nhân Việt Nam với thương nhân Lào.

Nội dung về chia sẻ thông tin và đào tạo: Tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo, phát triển nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ thương nhân đầu tư, kinh doanh tại khu vực biên giới; Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào là cơ quan đầu mối hai Bên phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh biên giới hai Bên thực hiện Bản ghi nhớ.

Nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Bản ghi nhớ. Các quy định tại Bản ghi nhớ có thể áp dụng trực tiếp, toàn bộ nên không đặt ra vấn đề ban hành quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để thực hiện Bản ghi nhớ; Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện hoặc có thể trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban bành văn bản khác để thực hiện Bản ghi nhớ.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho xây dựng hạ tầng thương mại biên giới thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

Chủ động lồng ghép cùng các hoạt động thường xuyên; khuyến khích huy động từ nguồn xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác trên cơ sở ưu tiên phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới.

Đối với các hoạt động viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới được Chính phủ hai nước thống nhất đưa vào Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào hàng năm, được xem xét đề xuất bố trí nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Trách nhiệm của các bộ, ngành trong kế hoạch cụ thể như sau:

Đối với Bộ Công Thương: Chủ trì trao đổi với phía Lào và các bộ, ngành, các tỉnh biên giới Việt Nam giáp Lào triển khai thực hiện Bản ghi nhớ và các nội dung tại mục II Kế hoạch;

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn khảo sát làm việc với các địa phương biên giới để nắm tình hình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan liên quan các biện pháp thực hiện Quyết định này nếu có. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Bản ghi nhớ định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu. Kế hoạch này một cách đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả.

Bộ Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, căn cứ nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành liên quan, trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; Chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan thuộc phạm vi quản lý và trong địa bàn hoạt động của hải quan; Trao đổi với phía Bạn tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh hàng hóa khu vực biên giới; tăng cường hợp tác với Hải quan Lào tạo thuận lợi cho các hoạt động liên quan đến kết nối và phát triển hạ tầng biên giới; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân tại khu vực biên giới.

Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo Bộ đội biên phòng tổ chức, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh cho người, phương tiện; Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; Tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại biên giới phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tạo thuận lợi cho quản lý xuất nhập cảnh và bảo vệ an ninh biên giới; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền cho cư dân và các thương nhân tại khu vực biên giới về Bản ghi nhớ và các quy định pháp luật liên quan.

Bộ Công an: Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương có biên giới giáp Lào tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào triển khai thực hiện đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; hoạt động liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; rà soát, đánh giá tác động về an ninh, trật tự từ các dự án, đề án liên quan đến việc triển khai kết nối hạ tầng thương mại biên giới. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai các kế hoạch bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Việt Nam và Lào xem xét, thúc đẩy các hoạt động về phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại khuôn khổ các kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào và các kỳ họp liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư huy động nguồn vốn và lập đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp 06 tuyến đường quốc lộ kết nối với Lào bao gồm: 279, 217, 12A, 12C, 15D và 49.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tại khu vực biên giới áp dụng các biện pháp kỹ thuật và kiểm dịch đối với hàng hóa vận chuyển, mua bán, lưu thông qua các cửa khẩu biên giới theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các tỉnh biên giới: UBND các tỉnh biên giới Việt Nam giáp Lào, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung Bản ghi nhớ để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phù hợp với nhu cầu phát triển về hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ danh mục hạ tầng thương mại biên giới đã thống nhất với phía Lào, các tỉnh biên giới thu hút đầu tư và lựa chọn loại hình hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng cho phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương;

Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương; lồng ghép cùng các hoạt động thường xuyên của tỉnh để thực hiện kế hoạch;

Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ được triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cho đến khi Bản ghi nhớ hết hiệu lực; tiếp tục triển khai thực hiện nếu Bản ghi nhớ được gia hạn; Các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào xây dựng kế hoạch thực hiện của bộ, ngành, địa phương và sao gửi Bộ Công Thương để tổng hợp, theo dõi chung.

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ke-hoach-thuc-hien-ban-ghi-nho-ve-phat-trien-ket-noi-ha-tang-thuong-mai-bien-gioi-giua-viet-nam-lao-386809.html