Kế hoạch xây dựng quân đội EU đã 'lên bàn'? Pháp-Italy tính phân chia lại quyền lực thời 'hậu Merkel'?

Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch xây dựng một lực lượng quân đội 5.000 quân vào năm 2025 để có thể can thiệp vào các tình huống khủng hoảng khác nhau mà không cần phụ thuộc vào Mỹ.

Kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội EU đã rõ ràng hơn khi đưa vào dự thảo La bàn Chiến lược của Đại diện cấp cao Borrell. (Nguồn: YouTube)

Kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội EU đã rõ ràng hơn khi đưa vào dự thảo La bàn Chiến lược của Đại diện cấp cao Borrell. (Nguồn: YouTube)

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã đề xuất dự thảo kế hoạch “La bàn Chiến lược”, trong đó có đề cập việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh EU.

Lực lượng phản ứng này sẽ được tạo thành từ các bộ phận trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có thể hoán đổi với bất kỳ lực lượng thường trực nào tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng.

Trong cuộc họp hôm 16/11 tại Brussels, các Bộ trưởng Quốc phòng EU đã thảo luận về kế hoạch này với mục tiêu sẽ đưa ra được văn bản cuối cùng vào tháng 3/2022.

Hai thập niên sau khi các nhà lãnh đạo EU đồng ý xây dựng một lực lượng chung từ 50.000 đến 60.000 người nhưng không thể hoạt động, La bàn Chiến lược là nỗ lực cụ thể nhất nhằm tạo ra một lực lượng quân sự tự chủ, không phụ thuộc vào Mỹ.

Ông Borrell nhấn mạnh, La bàn Chiến lược là chiến lược phòng thủ mới của EU, yêu cầu toàn khối phải "nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn để thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ quản lý khủng hoảng quân sự".

Theo dự thảo, không phải tất cả 27 quốc gia EU đều cần tham gia chiến lược này, mặc dù việc phê duyệt bất kỳ hoạt động triển khai nào cũng cần có sự đồng thuận.

Đại diện cấp cao EU cho hay, điều quan trọng đối với khối này là các quốc gia thành viên cam kết "cung cấp các tài sản liên quan và các yếu tố hỗ trợ chiến lược cần thiết".

Hiện có 60 dự án vũ khí quân sự chung của EU và các năng lực khác đang được phát triển, sau khi 14 dự án khác được phê duyệt hôm 16/11.

La bàn Chiến lược là sản phẩm gần nhất mà EU có thể có trong học thuyết quân sự, và tương tự như "Khái niệm chiến lược" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo, đặt ra các mục tiêu liên minh.

Italy và Pháp, hai cường quốc quân sự của EU, đã hoan nghênh dự thảo này. Liên minh chính phủ liên bang mới của Đức, dự kiến sẽ sớm ra mắt, cũng sẽ có những ý kiến quan trọng.

Liên quan hai quốc gia này, theo một nguồn tin chính phủ Italy ngày 16/11, Thủ tướng Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ ký một hiệp ước vào tuần tới để cố gắng thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu sau sự ra đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Một quan chức Italy yêu cầu giấu tên nói: "Ông Macron muốn có mối quan hệ bền chặt hơn với Italy và Rome muốn gắn mình vào quan hệ đối tác truyền thống giữa Paris và Berlin”.

Các chi tiết về nội dung của hiệp ước vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một quan chức Italy khác cho biết, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch và văn hóa.

(theo Sputnik, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ke-hoach-xay-dung-quan-doi-eu-da-len-ban-phap-italy-tinh-phan-chia-lai-quyen-luc-thoi-hau-merkel-165122.html