Kẻ ở bờ bên kia

'Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ' - câu thơ văn hào Anh Rudyard Kipling như lời tuyên án cho những thân phận lưu đày. Trong thế kỷ XXI, khi mà cụm từ 'công dân toàn cầu' trở thành câu thần chú mở mọi cánh cửa, dị biệt trong văn hóa vẫn là vực thẳm khó bước qua.

Chẳng hạn, nhà văn Hoa ngữ đoạt giải Nobel văn học đầu tiên lại mang quốc tịch Pháp: Cao Hành Kiện. Trước đó, văn giới cũng ghi nhận trường hợp nhà văn Mỹ gốc Ba Lan đoạt giải Nobel năm 1978 cho những tiểu thuyết viết bằng tiếng Yiddish - một ngôn ngữ của người Do Thái.

Ta ghi nhận Cao Hành Kiện như một trường hợp nhà văn đánh mất quốc tịch nhưng không đánh mất ngôn ngữ của mình. Trước khi sang Pháp, ông đã có khoảng thời gian khá dài sống và sáng tác ở Trung Quốc. Dù từng theo học văn học Pháp, các sáng tác của ông, kể cả khi đã định cư ở nước ngoài vẫn được viết bằng Hoa ngữ, cho những câu chuyện Trung Hoa, thậm chí rất Trung Hoa.

Giống tên một vở kịch của ông, Bờ bên kia, Cao Hành Kiện không thuộc về thế giới của những nhà văn ở Đại lục, cũng không thuộc về thế giới của những nhà văn Pháp ngữ. Nói như Albert Camus, Cao là một “người xa lạ” trong thế giới phương Tây, nơi ông quyết định bảo lưu ngôn ngữ của cố quốc như một kỷ vật gợi nhớ về một xứ sở phương Đông xa xưa với những hoàng đế, trường thành, những cuộc nổi dậy và cách mạng, giữa những người yêu thiên nhiên và nhân văn như các thi sĩ thời Đường với thế giới những kẻ vĩ cuồng. Cao đã viết bằng tiếng Hoa giữa trời Tây như một kẻ sống sót.

Từ trái: Sơn Táp, Cao Hành Kiện, Đới Tử Kiệt.

Từ trái: Sơn Táp, Cao Hành Kiện, Đới Tử Kiệt.

Tương tự Cao Hành Kiện là một nhà văn thuộc thế hệ kế cận ông, Đới Tử Kiệt - sinh năm 1954, trưởng thành ở Trung Quốc trước khi định cư tại Pháp, nơi ông bắt đầu sự nghiệp văn chương. Nhưng khác Cao Hành Kiện, Đới Tử Kiệt viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp dù rằng những câu chuyện Đới kể vẫn là câu chuyện thuần túy Trung Quốc như Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa viết về kỷ niệm những ngày đi lao động cải tạo của hai nam sinh thành thị, hay Vào một đêm không trăng dưới dáng vẻ một công án thiền tông là lịch sử Trung Hoa vắt ngang hai thời đại đầy biến động.

Đối với Cao Hành Kiện và Đới Tử Kiệt, nước Pháp là một cái án lưu đày. Họ đã sống trong một hiện thực Trung Hoa ngồn ngộn và chuỗi sự kiện lịch sử kéo dài, tàn khốc. Hiện thực ấy quá mạnh, nó như một hấp lực kéo lùi họ về quá khứ, ám ảnh họ không thôi. Cao ôm ghì lấy Hoa ngữ, Đới thoát được nó nhưng không thoát được quá khứ Hoa kiều của mình. Trong các câu chuyện của họ, từ khung cảnh đến tình huống đều tái dựng phần nào giai đoạn họ từng sống ở Trung Quốc.

Nhưng còn những tác giả gốc Hoa sinh sau Cách mạng Văn hóa thì sao? Như Sơn Táp chẳng hạn, sinh ra ở Bắc Kinh trong một gia đình trí thức, sớm nổi tiếng trên văn đàn Trung Quốc như một thần đồng văn chương. Sau khi du học và định cư ở Pháp, Sơn Táp thành danh với các tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp, đoạt luôn “Prix Goncourt du premier roman” - một giải thưởng phái sinh từ Goncourt danh giá.

Sơn Táp trước đó đã có sáng tác bằng tiếng Hoa, nhưng cũng quyết định chọn từ bỏ tiếng mẹ đẻ để dễ tiếp cận hơn với phương Tây. Cho đến thời điểm hiện tại, lối thoát phương Tây vẫn là con đường nhiều nhà văn châu Á tìm đến để có cơ hội quảng bá rộng rãi tác phẩm của mình, như nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin nhận định, sự thành công của Mạc Ngôn với giải Nobel văn chương phụ thuộc nhiều vào dịch giả của ông ở phương Tây.

Ở Sơn Táp, việc lựa chọn rời bỏ Trung Quốc hay chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ sáng tác rất khác so với Đới Tử Kiệt, cô không thoát ly mà làm cuộc dấn thân. Tuy vậy, Trung Quốc là một nền văn minh có bề dày, bén rễ sâu, Sơn Táp sinh trưởng trong môi trường đó, ra đi khi đã trưởng thành, do đó cô ở một số phương diện, vẫn gần như là một nhà văn Trung Quốc viết tiếng Pháp.

Thành công của cô với Thiên An Môn, Thiếu nữ đánh cờ vây hay Nữ hoàng đều lấy bối cảnh lịch sử trước khi cô sinh ra rất lâu hay diễn ra khi cô còn nhỏ. Phương Tây phần nào đó vẫn còn bị hấp dẫn bởi một hiện thực Trung Hoa xa lạ, họ muốn đọc một cuốn sách không cảnh cũ người quen.

Ba tác giả kể trên đều sinh ở Trung Quốc những năm 1940 - 1980 đầy biến động. Dù là những nhà văn nhập cư, nhưng tác phẩm của họ vẫn mang gánh nặng lịch sử. Nhưng rồi có một thế hệ nhà văn nhập cư gốc Á khác đã thoát ra, vì lịch sử về cố quốc đối với họ chỉ như một câu chuyện cổ tích.

Huỳnh Trọng Khang - Ảnh: TL

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ke-o-bo-ben-kia-19378.html