Kế thừa chính sách nhân văn về hình phạt với người chưa thành niên phạm tội

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa, theo Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo.

Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo.

Sáng 23/10, tiếp tục Kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (Dự thảo).

Đây là Dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập, một trong các vấn đề lớn là các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Điều 111 quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ bảy, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của Dự thảo. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định cụ thể trong bốn loại hình phạt nêu trên để đảm bảo thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài hình phạt tù có thời hạn, việc dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự về 3 loại hình phạt khác (gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ...).

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về 4 loại hình phạt, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt nêu trên để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội – bà Nga báo cáo.

Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chỉnh lý theo hướng: không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm (mà không chỉ áp dụng với 5 tội như dự thảo Luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa người chưa thành niên phạm 1 tội với người chưa thành niên phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của Bộ luật Hình sự; vừa khắc phục được bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt; vừa không phát sinh những mâu thuẫn mới trong tổng hợp hình phạt.

Về áp dụng hình phạt, điều 13 Dự thảo quy định, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Nếu phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định người chưa thành có mức án nhẹ hơn người đã thành niên sẽ khó bảo đảm tính răn đe.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa phát triển toàn diện về mọi mặt (thể chất, tinh thần, nhận thức…), do đó quy định về người chưa thành niên phạm tội khi bị phạt tù được áp dụng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng với người trưởng thành đã được quy định thống nhất trong Bộ luật Hình sự nước ta từ trước đến nay.

Quy định này phù hợp với Điều 37 Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em “việc bỏ tù trẻ em… chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục kế thừa chính sách nhân văn về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đã được quy định và thực hiện thống nhất từ trước đến nay.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ke-thua-chinh-sach-nhan-van-ve-hinh-phat-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-d228121.html