Kẻ trốn truy nã 26 năm bị bắt khi đang đương chức Chánh văn phòng TAND huyện
Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Đỗ Quang Huy (SN 1973) khi người này đang đương nhiệm chức vụ Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong. Huy bị bắt sau 26 năm phát lệnh truy nã.
Sáng 30/11, đại tá Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, chiều 28/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Quang Huy (SN 1973, trú tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để điều tra làm rõ hành vi phạm tội cách đây 26 năm. Đối tượng Huy bị truy nã 26 năm qua nhưng điều bất ngờ đối tượng này lại đang đương nhiệm chức vụ Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong.
Trước đó, Nguyễn Quang Huy đã bị truy nã vào năm 1993 sau khi phạm tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Theo tài liệu tố tụng, năm 1993, Huy cùng 4 bị cáo khác (đã bị xét xử) có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống Thủy điện Hòa Bình, vốn là công trình an ninh quốc gia.
Sau khi sự việc được làm rõ, Huy bỏ trốn trong khi 4 đồng bọn bị xét xử phạt tù giam và bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã. Tuy nhiên, sau nhiều năm không rõ bằng cách nào, Huy vẫn điềm nhiên sinh sống tại chính nơi mình đã từng gây ra sự việc, thậm chí vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, một cơ quan liên quan đến pháp luật.
Trước khi bị bắt giữ Huy được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong. Quá trình công tác, Huy được TAND tỉnh Hòa Bình cử đi học lớp nghiệp vụ Thẩm phán. Tuy nhiên Huy chưa được bổ nhiệm.
Qua quá trình xác minh lý lịch người thân của Huy, cơ quan chức năng bất ngờ phát hiện Huy có lệnh truy nã cách đây đã 26 năm nên đã tiến hành bắt giữ. Đối với tội danh “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, bị can bị truy nã vô thời hiệu nên việc Huy bị bắt để phục vụ điều tra là điều hoàn toàn đúng theo luật tố tụng hình sự.
Quy định về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Bộ luật hình sự 2015.
Theo quy định tại Điều 303 - Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia như sau:
“1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.”