Kênh đào Suez sẽ tăng phí quá cảnh lên 10-15%

Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập (SCA) ngày 17-9 thông báo sẽ tăng phí quá cảnh lên 10-15% bắt đầu áp dụng từ tháng 1-2023 để đối phó với tác động của lạm phát toàn cầu hiện nay. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập (SCA) ngày 17-9 thông báo sẽ tăng phí quá cảnh lên 10-15% bắt đầu áp dụng từ tháng 1-2023 để đối phó với tác động của lạm phát toàn cầu hiện nay.

Theo tuyên bố chính thức của SCA, phí quá cảnh sẽ tăng 15% áp dụng với mọi loại tàu và 10% với tàu hàng rời và tàu du lịch. Chủ tịch của SCA Osama Rabie lý giải việc tăng phí qua kênh đào Suez “là không thể tránh khỏi và cần thiết” để ứng phó với tỷ lệ lạm phát toàn cầu hiện đã lên tới hơn 8%.

Lạm phát toàn cầu đã kéo theo sự gia tăng chi phí vận hành và bảo trì kênh đào Suez cũng như tăng chi phí của các dịch vụ hàng hải cung cấp cho tàu thuyền di chuyên qua kênh nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Trong năm nay, SCA đã hai lần tăng phí quá cảnh qua kênh đào Suez với mức tăng 6% vào tháng 2 và 5 đến 10% vào tháng 3.

Liên hợp quốc lên tiếng về xung đột giữa Armenia và Azerbaijan

Liên hợp quốc (LHQ) vừa lên tiếng kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình để tháo gỡ căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan sau 2 ngày xung đột bùng phát khiến hơn 170 binh sĩ của hai bên thiệt mạng.

Trình bày trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách các khu vực châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, ông Miroslav Jenca, cho rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, không ngừng nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán và giúp họ đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Jenca nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, các bên phải tuân thủ nghĩa vụ triển khai đầy đủ lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 11-2020. LHQ kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán và thực hiện các bước đi cần thiết để ký kết một hiệp ước hòa bình lâu dài, HĐBA nên đưa ra thông điệp thống nhất để các bên tập trung vào giải pháp ngoại giao.

Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ

Trong một báo cáo vừa công bố, Bloomberg nhận định Ai Cập có thể xuất khẩu 8,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay, giữa lúc giá khí đốt đang được giao dịch ở mức cao tại thị trường châu Âu.

Theo nhận định, Ai Cập đang tìm cách trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở khu vực Arập bằng cách phát triển các dự án hóa lỏng khí đốt và tái xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường quốc tế. Tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của Ai Cập hiện vào khoảng 6,5-7 tỷ foot khối mỗi ngày (1 foot khối = 0,0283m3). Hiện, Ai Cập đang nỗ lực phát triển các dự án dầu khí khi đang hợp tác với một loạt công ty năng lượng nước ngoài như Eni của Italy, British Petroleum (Anh), Apex International (Mỹ), United Energy (Mỹ), Enap Sipetrol của Chile, Ina (Đức) và một doanh nghiệp đến từ Qatar để tiến hành thăm dò dầu khí tại các lô trên Địa Trung Hải, khu vực Sa mạc phía Tây và khu vực Vịnh Suez./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202209/kenh-dao-suez-se-tang-phi-qua-canh-len-10-15-2553084/