Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng với xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đặc biệt chú trọng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được những kết quả rõ rệt. Việc kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó, xây dựng Đảng được tập trung đẩy mạnh, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, tăng cường và đã đạt được kết quả toàn diện.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Lữ đoàn 21 BĐBP bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Lữ đoàn 21 BĐBP, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Thành Chung

Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Lữ đoàn 21 BĐBP bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Lữ đoàn 21 BĐBP, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Thành Chung

Có thể khẳng định, công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực, được nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ; triển khai quyết liệt chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm những tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm.

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường hơn, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Góp ý vào phần “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII” của Dự thảo “Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII”, nên làm rõ, bổ sung nội dung vào mục 2.6 như sau: “Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên là cấp ủy viên các cấp” vào sau câu “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ”. Như vậy, câu hoàn chỉnh sau khi bổ sung sẽ là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ. Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên là cấp ủy viên các cấp”.

Đề xuất trên xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn như sau: Lấy phiếu tín nhiệm là để đánh giá người cán bộ, đảng viên lãnh đạo đó có uy tín với quần chúng hay không. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ có uy tín sẽ được nhân dân yêu mến, quý trọng và hết lòng giúp đỡ, do đó làm việc gì cũng thuận lợi, thành công. Uy tín của người cán bộ còn là lòng tin của quần chúng đối với phẩm chất, năng lực và các giá trị xã hội của nhân cách người cán bộ đó. Trong mọi hoạt động, người cán bộ phải có đủ đức, đủ tài, phải vừa hồng, vừa chuyên, gắn bó mật thiết với nhân dân, được quần chúng tin yêu.

Từ thực tiễn cho thấy, đây là nội dung rất quan trọng làm cơ sở để điều chỉnh hoạt động lãnh đạo của các cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cho phù hợp, đồng thời kịp thời cảnh báo, nhắc nhở những đảng viên có biểu hiện cá nhân, cơ hội, thực dụng, thực hiện sai nguyên tắc. Đây cũng là cơ sở để đánh giá, nhận xét, quy hoạch cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề xuyên suốt các khâu còn lại. Thực tiễn trong BĐBP, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã rất quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò cán bộ chủ trì. Hằng năm đều lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, tập trung vào cán bộ chủ trì, cán bộ quản lý các cơ quan trọng yếu trong lực lượng, qua đó đem lại hiệu quả cao.

Đánh giá sự uy tín, tín nhiệm cán bộ có vai trò quan trọng như vậy, nhưng ở một số nơi vẫn chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, có những trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Qua việc xử lý kỷ luật một số cán bộ thời gian qua cho thấy, có những cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, có cán bộ đã vi phạm kỷ luật Đảng và phải xử lý theo pháp luật; có trường hợp cán bộ có nhiều triển vọng nhưng chỉ thời gian sau bộc lộ những yếu kém, làm việc tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, buộc phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc.

Việc đánh giá cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, đánh giá sai sẽ dẫn đến quy hoạch, bố trí, sử dụng sai. Việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những biện pháp đổi mới, nhằm đánh giá cán bộ thông qua nhiều góc nhìn và sự tín nhiệm về uy tín cán bộ trong công tác. Vì vậy, cần bổ sung thêm nội dung: “Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên là cấp ủy viên các cấp” để làm cơ sở đánh giá cán bộ được chính xác, khách quan, hiệu quả hơn.

Về tổng kết thi hành Điều lệ Đảng: Trong nhiệm kỳ qua, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Trung ương đã sớm bổ sung, sửa đổi Quy định thi hành Điều lệ Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành các quy định, hướng dẫn tương đối đồng bộ, thống nhất để thực hiện trong toàn Đảng (đặc biệt ban hành những quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, về xử lý đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm) góp phần hoàn thiện thể chế, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, tôi nhận thấy việc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định thi hành Điều lệ Đảng là rất cần thiết để phù hợp với tinh thần mới. Do đó, tôi xin đề xuất bổ sung một số nội dung sau:

Một là, tại Khoản 3, Điều 27, Điều lệ Đảng về tổ chức Đảng trong QĐND Việt Nam xác định: Cơ quan chính trị cấp trên phối hợp với cấp ủy địa phương để chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong lực lượng vũ trang địa phương. Quy định như vậy không sát với thực tiễn, vì hiện nay, cơ quan chính trị cấp trên không có hoạt động phối hợp với cấp ủy địa phương. Vì vậy, đề nghị nên cụ thể hóa quy định: Đảng ủy quân sự cấp trên phối hợp với cấp ủy địa phương để chỉ đạo; Cơ quan chính trị cấp trên phối hợp với các ban Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương để hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện, như vậy sẽ phù hợp hơn.

Hai là, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người giới thiệu, giúp đỡ quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng. Vì hiện nay, Trung ương đã có quy định trách nhiệm người giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt để đảm bảo sự đồng bộ giữa công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ với công tác quản lý, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương có quy định cụ thể về việc quy hoạch cán bộ quân đội tham gia vào nguồn cán bộ lãnh đạo của địa phương để tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ quân đội phát triển.

Thượng tá Nguyễn Hồng Vũ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 21 BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ket-hop-chat-che-hai-hoa-giua-xay-dung-va-chinh-don-dang-voi-xay-dung-boi-duong-doi-ngu-can-bo-dang-vien-post436413.html