Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là cần thiết
Phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Trương Văn Tuyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương; Đỗ Trọng Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh câu chuyện làng nghề và công nghệ.
Lựa chọn đúng để tập trung cho đầu tư, mở rộng sản xuất
Ông Trương Văn Tuyên:
Để duy trì và phát triển nghề, làng nghề TTCN, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 43,6 tỷ đồng. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách, các chương trình; các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước tận dụng tốt tiềm năng từ công nghệ 4.0 để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong sản xuất, các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đã luôn quan tâm đầu tư các máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến; sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, phù hợp xu thế. Trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp này luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ 4.0, giúp các sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách dễ dàng nhất.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh số lượng doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tận dụng tốt tiềm năng từ công nghệ 4.0 để phát triển sản xuất, kinh doanh chưa nhiều. Đây cũng là bài toán khó với các nhà hoạch định chiến lược, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
PV: Và như vậy, bài toán khó này sẽ rất cần nhiều giải pháp để làng nghề TTCN có chỗ đứng và sức mạnh cạnh tranh trong hội nhập?
Ông Trương Văn Tuyên:
Trong xu thế hội nhập, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn muốn phát triển thành công thì cần hiểu vấn đề, nhìn thấu đáo, lựa chọn kỹ để nhìn ra được sản phẩm nào đang cần cho thị trường, đang có giá trị thương mại cao. Lựa chọn đúng thì tập trung cho đầu tư, mở rộng sản xuất. Phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất như chế biến nguyên liệu, trang bị máy móc, các dụng cụ cầm tay tinh xảo, sử dụng các loại hàng hóa và chất liệu mới, kỹ thuật bảo quản, đóng gói sản phẩm để tạo ra sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, độc đáo về kiểu dáng. Đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất TTCN phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là những nghề truyền thống, nghề có khả năng phát triển độc lập và các nghề gắn với phát triển du lịch.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh để làng nghề có thể tiếp cận với đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện để các làng nghề hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới…
Hiện đại nhưng phải có chất truyền thống
Ông Đỗ Trọng Vĩnh:
Có thể nói, sự phát triển của nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống đã đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng CNH, HĐH và góp phần XDNTM ở địa phương.
Trong những năm qua, làng nghề ở Thanh Hóa có sự chuyển biến mạnh mẽ, gia tăng không ngừng về số lượng và giá trị sản xuất. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngoài việc đem đến những lợi ích, thuận lợi, cơ hội nhưng cũng không kém phần khó khăn và thách thức cho các làng nghề như: năng lực tài chính; trình độ công nghệ; doanh nghiệp chưa thể tham gia chuỗi toàn cầu...
Sản phẩm nghề TTCN tuy nhiều nhưng ít có sản phẩm mang thương hiệu vùng hoặc quốc gia; phần đa các sản phẩm chất lượng còn thấp, không ổn định nguồn cung; giá thành còn cao nên khả năng cạnh tranh trên thị trường hạn chế.
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm tại làng nghề Thanh Hóa chưa được đầu tư thiết kế, làm mới sản phẩm hay tạo ra những sản phẩm khác biệt, hấp dẫn người mua mà chủ yếu là cách sản xuất truyền thống, mẫu mã truyền thống, hay xuất khẩu thô với giá trị chưa cao. Vì vậy, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong 1 sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu khách hàng là điều rất cần thiết.
Đến ngày 31-12-2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang duy trì và phát triển 39 nghề TTCN, với tổng số 8.303 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh, đã tạo việc làm cho khoảng 58.405 lao động.