Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm với phim phát hành trên không gian mạng, tránh vi phạm lan truyền
Sáng nay, 23/10, thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định phổ biến, phát hành phim trên không gian mạng. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải có bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, tường minh làm cơ sở cho việc đánh giá, kiểm duyệt nội dung cũng như phát hành phim.
Kiểm duyệt phim trên cơ sở phân loại phim
Các đại biểu cho rằng, công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ.
Cho rằng cần sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp với thực tiễn, đại biểu Bùi Huyền Mai (Đoàn Hà Nội) nêu kiến nghị, việc sửa đổi phải bảo đảm tính khả thi, cụ thể; bảo đảm các quy định về tác quyền cũng như thể chế hóa các quy định của Nhà nước nhằm thúc đẩy nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển, hướng đến công nghiệp văn hóa để đóng góp cho nền kinh tế.
“Về nhóm chính sách liên quan đến phát triển điện ảnh còn có nhiều điều luật khác nhau, không có sự tập trung, vẫn nặng bao cấp, chưa cho thấy nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiếp cận với thế giới ra sao, việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển như thế nào. Vấn đề chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm các phim phát trên không gian mạng cũng thực sự khó khăn bởi phim chiếu trên mạng rất khó kiểm soát. Đặc biệt, quy định cho phép nhà sản xuất tự phân loại, đánh giá, đưa các cảnh báo thì càng khó kiểm soát hơn, mất công bằng với các nhà sản xuất phim chiếu rạp vì họ phải xin phép”- đại biểu Bùi Huyền Mai nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), Dự Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ. Nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn.
Chỉ ra chế định kiểm duyệt phim có vai trò rất quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về điện ảnh trong thời kỳ đầu, hầu như các quốc gia đều dành “thời lượng” rất lớn để quy định về chế định kiểm duyệt phim, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) cho rằng, một số nước vẫn duy trì các biện pháp kiểm duyệt mang tính quản lý hành chính rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí giao hẳn cho cơ quan an ninh phụ trách (như ở các nước có xung đột về tôn giáo, dân tộc…). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh thì chế định kiểm duyệt phim ngày càng có sự thay đổi. Vài thập niên trở lại đây hầu hết các nước đã chuyển sang kiểm duyệt phim trên cơ sở phân loại phim như cách tiếp cận của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này. Ngay cả những nước áp dụng chế định kiểm duyệt ngặt nghèo nhất về nội dung thì hiện cũng đã có xu hướng chuyển sang cơ chế phân loại.
Theo đại biểu, Dự Luật quy định về trách nhiệm và trao quyền kiểm duyệt, phân loại phim cho các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng là phù hợp với thực tế nước ta hiện nay khi chúng ta chưa có đủ điều kiện về năng lực, bộ máy, hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu về tiền kiểm phim quá lớn hiện nay. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng tạo ra nguy cơ để lọt các bộ phim có tính chất vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục mà thời gian gần đây đã xuất hiện và bị dư luận xã hội phản ứng. Do đó, cần đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực quản lý, kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm một cách hợp lý, trong đó, hậu kiểm là chủ yếu và tiền kiểm đối với các bộ phim tác động tiêu cực về an ninh, trật tự, chính trị, tư tưởng.
Các đại biểu cho rằng, để thực hiện được, cần xây dựng được bộ tiêu chí về phân loại phim một cách chi tiết, cụ thể và tường minh hơn để các cá nhân, tổ chức phát hành phim có căn cứ để tự kiểm duyệt trước khi phổ biến. Cùng với đó, cần quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường tự động và kiểm duyệt tự động; cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh được các nội dung vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý thật nghiêm minh với các bộ phim vi phạm; xây dựng được tổ chức bộ máy trong việc thực hiện hậu kiểm.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại. Trong đó, chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, xã hội hóa hoạt động làm phim
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) chỉ ra thực trạng phổ biến lậu phim rạp trên môi trường mạng hiện nay. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta thấy rằng, Dự Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần quy định thật rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng.
Đối với các quy định về sản xuất phim tư nhân, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Dự Luật đang hơi thiên nhiều về quản lý nhà nước, hơn là khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, xã hội hóa hoạt động làm phim. Theo các đại biểu, phim tư nhân có nhiều bộ phim có nội dung và tác động tốt đến đời sống, xã hội, chúng ta nên khuyến khích. Tuy nhiên, song song với đó, chúng ta cũng không được buông lỏng quản lý, chúng ta cần quản lý chặt về nội dung để đảm bảo nội dung phim không có chứa những nội dung kích động bạo lực, mại dâm… có tác động tiêu cực tới người xem.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, Dự Luật mới chú trọng đến khâu phát hành phim mà khâu sản xuất còn mờ nhạt, chưa rõ việc huy động nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ để phát triển điện ảnh hiện đại hay không chưa thấy đề cập. Bởi điện ảnh phát triển sẽ tác động đến các ngành kinh tế khác, nên việc phát triển điện ảnh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để nâng tầm nhận thức vấn đề ở một tầm nhìn xa hơn bởi đây là luật sửa đổi toàn diện chứ không phải sửa đổi bổ sung một số vấn đề. Trong những năm qua, nền điện ảnh Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ chuyển từ thuần túy một ngành dịch vụ giải trí công ích nhà nước bao cấp sang tự chủ và tiến tới là ngành kinh tế có đóng góp vào thu nhập quốc dân, nhưng không bỏ qua mục đích đời sống văn hóa tinh thần, nhiệm vụ chính trị của ngành điện ảnh.
“Đây là ngành tổng hợp rất quan trọng, vừa là lĩnh vực văn hóa, tinh thần đời sống nhưng cũng là lĩnh vực kinh tế, tạo ra thu nhập. Vì vậy, luật sửa đổi phải thể hiện được tinh thần này …”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh. Cách tiếp cận xây dựng dự án Luật phải rộng hơn, toàn diện hơn thì mới đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Sau khi sửa đổi Luật phải tạo được bước phát triển đột phá cho nền điện ảnh Việt, thu hút điện ảnh nước ngoài đến Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác sản xuất điện ảnh; không chỉ bó hẹp làm phim, sản xuất phim, phổ biến phim…
Liên quan đến sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi vì điện ảnh là lĩnh vực đặc thù. Đối với cơ chế đặt hàng, đề nghị nghiên cứu quy định mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, sản xuất phim; cơ chế Nhà nước mua bản quyền một số phim phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục. Một số đại biểu đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.
Theo đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội), việc nhìn nhận điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế trong bối cảnh công nghệ số là đúng. Về vấn đề sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng, nên chọn phương án giữ nguyên quy định của luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim. Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim Việt Nam. Đồng thời, đề nghị quy định về xuất khẩu phim cần thông thoáng hơn; phim xuất khẩu chỉ cần phù hợp với tiêu chí của nước nhập khẩu phim và không được vi phạm các quy định cấm.