Kết nghĩa xuyên biên giới
Từ ngày bản Pô Tô (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và bản Cửa Cải (trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) ký biên bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, nhân dân hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp nhau phát triển kinh tế…
Thỏa lòng mong ước của cư dân đường biên
Tản bộ trên con đường bê tông của bản Pô Tô, ông Giàng A Dụ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pô Tô nhớ như in ngày hai bản ký biên bản kết nghĩa. Ông Dụ cho biết, ngày 3/9/2014 là ngày trọng đại của hai bản Pô Tô và bản Cửa Cải bên nước bạn. Dọc con đường này dẫn tới nhà văn hóa bản Pô Tô, nơi thực hiện nghi lễ ký biên bản kết nghĩa, cờ hoa rực rỡ, tiếng nhạc rộn ràng. Hôm đó, ngay từ sáng sớm, các chàng trai, cô gái cùng các cháu học sinh người dân tộc Hà Nhì, Dao... trong trang phục truyền thống của dân tộc mình có mặt đông đủ tại nhà văn hóa để đem điệu múa, lời ca, tiếng sáo, tiếng khèn phục vụ chương trình giao lưu với các bạn đến từ bên kia biên giới. Mọi người như xích lại gần nhau trong ngày hội đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.
Ông Dụ cho biết, nhân dân hai bên từ xa xưa có quan hệ dòng họ, thân tộc lâu đời, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán. Sau khi ký vào biên bản kết nghĩa, người dân hai bên gần như không còn khoảng cách, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, khó khăn tìm cách giúp nhau tháo gỡ.
Trước kia, hàng hóa của nhân dân dọc đường biên khó lưu thông sang địa bàn của nhau. Khi đã trở thành “anh em”, cùng với các quy định cởi mở được chính quyền hai bên cho phép, cánh cửa lưu thông hàng hóa được mở ra. Giá cả các mặt hàng do nhân dân hai bản sản xuất vì thế cũng nâng lên đáng kể. Đời sống kinh tế của bà con trong bản vì thế khá hơn rất nhiều, không còn tình trạng bỏ ruộng nương, gia đình xuất cảnh trái phép sang lao động thời vụ bên nước bạn.
“Trong lần giao ban cuối cùng trước khi dịch COVID-19 ập đến, trưởng bản Cửa Cải khẳng định, mối quan hệ giữa nhân dân hai thôn ngày càng được gắn bó keo sơn, hướng tới mục tiêu chung xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đời sống nhân dân hai bên ngày càng phát triển cả về vật chất và tinh thần. Thông qua kết nghĩa, nhiều vụ việc phát sinh trên biên giới được giải quyết ổn thỏa, kịp thời, tạo bầu không khí thân thiện, hiểu biết lẫn nhau”, ông Dụ cho hay.
Từ sự đoàn kết của nhân dân bản Pô Tô và Cửa Cải, năm 2017, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc đã chọn địa điểm này tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4. Đây là hoạt động nhằm xây dựng tình cảm hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền địa phương, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước; qua đó, tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững; xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân hai nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tiếp lời ông Dụ, già làng bản Pô Tô, Lý An Hờ nói, do dịch COVID-19, các hoạt động giao lưu không được thực hiện, nhưng hai bên đều là anh em thân tộc, trọng nghĩa tình nên thường xuyên trao đổi, thăm hỏi, động viên lẫn nhau. Anh em hai bên chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, để mỗi thôn có những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời, người dân mỗi bên phát huy tinh thần đoàn kết, hữu nghị, không tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm; chung tay cùng lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới.
Trong không khí đoàn kết của ngày hội biên phòng toàn dân 3/3/2023 vừa qua, ông Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông chia sẻ: Sau khi kết nghĩa, tốc độ phát triển kinh tế của bản Pô Tô được đẩy nhanh trên tất cả các lĩnh vực. Tín hiệu vui và cũng đáng phấn khởi, tự hào khi lần đầu tiên thu nhập bình quân đầu người của nhân dân Pô Tô đứng trong tốp đầu toàn huyện. Thống kê bình quân hiện nay đạt khoảng 26 triệu đồng/người/năm, không chỉ vượt xa mức thu nhập bình quân tỉnh giao, mà đó là con số từ trước đến nay chính quyền cũng như người dân không ai dám mơ tới. “Từ năm 2019 đến nay, các loại nông sản như ngô, chuối, khoai lang... không lo nơi tiêu thụ. Trong bản Pô Tô cũng như xã Huổi Luông, một số hộ nông dân thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm”, ông Dung cho biết.
Nắm chặt tay bảo vệ biên cương
Đầu năm nay, việc chính quyền địa phương hai bên đang xúc tiến mở lại lối mở và chợ biên giới khiến cho người dân nơi đây phấn khởi vô cùng. Vừa xem những bức ảnh lưu lại khoảnh khắc gặp gỡ, giao lưu hữu nghị của người dân hai bên tại nhà Văn hóa hữu nghị Việt - Trung, ông Giàng A Dụ phấn khởi nói: “Biên giới được mở cửa trở lại, chúng tôi lại được gặp mặt, giao lưu. Những ngày lễ, Tết hoặc mỗi khi có người ốm đau, chuyện ma chay, cưới hỏi hoặc thiên tai gió bão... người dân hai bên qua lại thăm hỏi, động viên, chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn. Những hoạt động đó giúp thắt chặt hơn tình cảm và sự tin cậy lẫn nhau. Nhất là, việc giao thương hàng hóa trở lại, sẽ đem đến cho nhân dân ở đây cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn”.
Bên cạnh đó, việc hai bản kết nghĩa cũng tạo điều kiện cho lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương; truyền thống văn hóa tốt đẹp của hai dân tộc.
Mặt khác, thông qua mô hình này, các cơ quan chức năng còn vận động được nhân dân hai bên biên giới chấp hành và thực hiện nghiêm 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; cùng nhau bảo vệ, không làm hư hỏng mốc quốc giới, không làm thay đổi đường biên giới, bảo vệ môi trường… Trong đó, mô hình này phát huy rất hiệu quả trong công tác phòng, chống các loại tội phạm. “Trong những năm qua, nhân dân hai bên biên giới đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Người dân hai bên không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật...”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Kiểm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho hay.
(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ket-nghia-xuyen-bien-gioi-post1519856.tpo