Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư

Việc liên kết hai cơ sở dữ liệu này nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Hai Bộ thực hiện nghi thức kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai - Ảnh: VGP

Hai Bộ thực hiện nghi thức kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai - Ảnh: VGP

Tối 29/12, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thực hiện nghi thức kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến hết năm 2022 ngành Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành số hóa, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu ở 397/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất. Trong đó, đã kết nối chia sẻ 18 trường thông tin ở 56/63 tỉnh, thành phố; 316/705 đơn vị cấp huyện, 4.076/10.599 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất. Các dữ liệu đất đai đã được đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng đăng ký đất đai đồng thời từng bước kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, Bộ này đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, xây dựng giải pháp thực cập nhật, quản lý dữ liệu đất đai, nhà ở, địa chỉ số, kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý Nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản và giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến đất đai.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân được số hóa. Từ cơ sở dữ liệu này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm bày tỏ hy vọng cơ sở dữ liệu kết hợp không chỉ tạo ra thuận lợi công tác quản lý mà còn tạo ra tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Ông khẳng định, việc ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường sẽ tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý về môi trường.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp người dân tra cứu được các thông tin về đất đai; cơ quan Nhà nước quản lý được các biến động về dân cư và đất đai trên môi trường điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tới đây, việc liên kết hai cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Về kế hoạch tiếp theo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2023, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu tập trung, thống nhất, bảo đảm hỗ trợ nghiệp vụ quản lý đất đai và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Dự kiến đến tháng 6/2023, Bộ sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 454/705 huyện tại các địa bàn đông dân; đến hết năm 2023 phấn đấu đạt 550 huyện. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ quản lý dữ liệu đất đai, nhà ở, địa chỉ số, kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhà ở cũng như giao dịch bất động sản.

Sau khi kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Tô Lâm đã ký kết "Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022-2026," giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Công an.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ket-noi-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dat-dai-va-dan-cu-post16044.html