Kết nối giao thương để hàng Việt nâng thị phần trong nước

Từ đầu năm đến nay, các tỉnh, thành, Bộ Công thương thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn cả nước nhằm để các DN, HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới đối tác và người tiêu dùng. Qua đó, cung - cầu gặp nhau, các DN, HTX có cơ hội mở rộng giao thương và tăng thị phần ở thị trường nội địa.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến giữa năm 2024, cả nước có gần 13,4 ngàn sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên. Dự kiến sản phẩm OCOP sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh việc phát triển, nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng rất quan trọng. Thông qua các hội nghị, triển lãm, đợt xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành, khu vực, vùng miền, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến và chọn mua, sử dụng nhiều hơn nên đầu ra khá thuận lợi. Vì thế, các DN, HTX đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu và tăng thị phần trong nước. Đồng thời, các DN, HTX cũng có thêm cơ hội liên kết với những DN, nhà bán lẻ quốc tế đưa sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài sản phẩm OCOP, các tỉnh, thành còn có nhiều sản phẩm công nghiệp cũng đang có nhu cầu tìm đối tác trong nước, nước ngoài để kết nối cung ứng sản phẩm cho nhau, cùng tham gia vào chuỗi sản xuất. Do đó, gần đây, các hội nghị, triển lãm từng ngành hàng, lĩnh vực thường thu hút nhiều DN trong và ngoài nước, HTX tham gia.

Đại diện một số DN, HTX cho biết, thông qua các hội nghị, triển lãm, họ có thể học hỏi thêm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, ký kết hợp đồng với khách hàng để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sau các đợt hội thảo, triển lãm, nhiều khách hàng, người tiêu dùng đã liên hệ DN, HTX đặt hàng online…

Đồng Nai hiện có hơn 220 sản phẩm OCOP và là một trong 5 trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam nên nhu cầu kết nối để mở rộng cung - cầu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp rất lớn. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong tỉnh, ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ các DN, HTX tìm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua các đợt xúc tiến thương mại, nhiều DN, HTX ở Đồng Nai đã trở thành đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau và cùng tham gia vào chuỗi liên kết để phát triển bền vững.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng trong nước đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng tiện lợi, giá cạnh tranh. Do đó, các DN, HTX muốn tăng được thị phần ở thị trường trong nước buộc phải đáp ứng được những yêu cầu trên.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/ket-noi-giao-thuong-de-hang-viet-nang-thi-phan-trong-nuoc-0855358/