Kết nối những trái tim

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, thế nhưng nỗi đau về chất độc da cam vẫn dai dẳng đối với nhiều người dân Việt Nam. Do vậy thời gian qua, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên chăm lo cho các nạn nhân da cam và Chơn Thành là một điển hình như thế.

Dù đều đã ngoài 80 tuổi nhưng gần 50 năm qua, vợ chồng ông Đỗ Mạc Thắng ở xã Minh Long, huyện Chơn Thành vẫn phải chăm bẵm cho con gái đã hơn 50 tuổi. Bởi con gái ông bị teo cơ, bại liệt và thiểu năng từ nhỏ do bị di chứng của chất độc da cam từ chính ông.

Từng là người lính tham gia chiến trường Quảng Trị khốc liệt, ông Thắng phát hiện mình nhiễm chất độc da cam ngay sau khi rời quân ngũ. Cho đến khi sinh người con thứ 2, nỗi đau của ông bà lại nhân lên bởi chưa 1 ngày con gái có thể tự đi trên chính đôi chân của mình; mọi sinh hoạt cá nhân của con đều do ông bà chăm sóc.

Kết nối “Những tấm lòng vàng” đến với nạn nhân da cam là việc làm được huyện Chơn Thành thực hiện vô cùng hiệu quả trong thời gian qua

Kết nối “Những tấm lòng vàng” đến với nạn nhân da cam là việc làm được huyện Chơn Thành thực hiện vô cùng hiệu quả trong thời gian qua

Là nạn nhân da cam, mất sức lao động, lại phải chăm con tật nguyền nên gia đình ông Thắng khó tránh khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau. Vì vậy, ngoài được hưởng chế độ của Nhà nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chơn Thành còn thường xuyên vận động mạnh thường quân đến thăm, tặng quà, tiền… nhằm giúp gia đình ông vượt khó vươn lên. Ông Thắng chia sẻ: Vợ chồng tôi nay đã già yếu, nhờ tiền Nhà nước hỗ trợ hằng tháng hơn 2 triệu đồng, cùng với đó chính quyền địa phương, Huyện hội, các mạnh thường quân thường xuyên quan tâm nên gia đình cũng vơi bớt khó khăn.

Là nữ giao liên phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bà Lê Thị Tạm ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành cũng bị nhiễm chất độc da cam. Hứng chịu di chứng của chất độc này, con trai bà chỉ biết gắn chặt với chiếc xe lăn, gánh nặng đè lên vai người phụ nữ nghèo đã ngoài 70 tuổi.

Trước hoàn cảnh khó khăn, bà Tạm đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chơn Thành vận động mạnh thường quân tặng 1 con bò giống tạo kế sinh nhai. Cùng với đó, bà còn được hỗ trợ xây tặng nhà ở, giếng nước sạch, nhà vệ sinh để ổn định cuộc sống. Bà Tạm xúc động: Trước đây, căn nhà tôi xiêu vẹo, xập xệ, nhiều người nhìn thôi cũng không dám bước vào… Con cái bệnh tật vậy rất khổ! May nhờ Huyện hội quan tâm, các nhà hảo tâm thường xuyên đến tặng quà, tạo cơ hội phát triển kinh tế, tôi mừng lắm và mang ơn những sự giúp đỡ này rất nhiều!

Hiện với 113 nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, mỗi năm Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chơn Thành đều quan tâm chăm lo từng hoàn cảnh. Việc chăm lo của Huyện hội không chỉ vào dịp lễ, tết mà bất cứ khi nào có được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, Huyện hội đều kết nối đến các hội viên. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chơn Thành chia sẻ thêm: Tranh thủ mọi nơi, mọi lúc, bất cứ khi nào vận động được mạnh thường quân, chúng tôi mời họ đi cùng đến thăm các nạn nhân da cam để có sự hỗ trợ thiết thực nhất. Rất mừng là thời gian qua công tác vận động, ủng hộ nạn nhân da cam trên địa bàn huyện được lan tỏa, đã có nhiều tấm lòng thiện nguyện đến với các gia đình nạn nhân. Nhờ đó họ được tiếp sức, có thêm động lực, điều kiện chiến thắng bệnh tật…

Vận động mỗi năm hàng trăm triệu đồng hỗ trợ khoảng hơn 100 hội viên có thể vẫn chưa đủ so với nhu cầu và sự khó khăn, thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu. Tuy nhiên, bằng sự tận tâm, đồng hành của nhiều mạnh thường quân trong những năm qua, huyện Chơn Thành đã và đang góp phần xoa dịu nỗi đau cho nhiều nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống tại địa phương.

N.Tấn - T.Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/135841/ket-noi-nhung-trai-tim