Kết nối tình yêu với Hà Nội qua nghệ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô, nhiều chương trình nghệ thuật đã cùng lan tỏa tình yêu với Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến. Với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, Hà Nội sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ và những tâm hồn yêu nghệ thuật, giữ vững vị trí đặc biệt trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Khắc họa câu chuyện tự hào

Chương trình âm nhạc và nghệ thuật Hà Nội - Bản hùng ca phố được truyền hình trực tiếp vào tối 10-10, là một trong những điểm nhấn trong loạt hoạt động nhằm tôn vinh lịch sử và văn hóa của thủ đô. Được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long - một biểu tượng lịch sử, nơi đã diễn ra lễ chào cờ đầu tiên của thủ đô giải phóng vào chiều ngày 10-10-1954 - chương trình không chỉ gợi nhớ lại những ký ức hào hùng mà còn thể hiện sự tiếp nối của các thế hệ trong việc gìn giữ hòa bình và phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội.

 Tác phẩm “Hà Nội đêm giải phóng” của tác giả Lê Thanh Đức trưng bày trong triển lãm “Hà Nội sức sống và niềm tin”

Tác phẩm “Hà Nội đêm giải phóng” của tác giả Lê Thanh Đức trưng bày trong triển lãm “Hà Nội sức sống và niềm tin”

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí của VTV, chia sẻ: “Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử như đồng chí Nguyễn Văn An (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội). Ngày 10-10-1954, ông khi đó là công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ, đã góp phần đấu tranh để giữ nguyên trạng nhà máy, đảm bảo dòng điện ổn định phục vụ việc tiếp quản thủ đô. Là NSƯT Phùng Đệ - một chiến sĩ tự vệ trong những ngày tháng quyết tử bảo vệ Hà Nội. Những câu chuyện này không chỉ mang đến cái nhìn sâu sắc về quá khứ mà còn truyền tải thông điệp về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường của người dân Hà Nội”.

Âm nhạc là phần không thể thiếu trong chương trình, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Tấn Minh, Hồng Nhung và Tùng Dương. Các tiết mục được dàn dựng công phu, kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và công nghệ trình chiếu 3D, tạo nên không gian nghệ thuật sống động. Đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Hà An đã đem tới màu sắc mới cho các tác phẩm âm nhạc kinh điển, như: Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng được thể hiện một cách hào hùng; cảm xúc da diết của Hướng về Hà Nội - Áo mùa đông; Em bé Hà Nội trong trẻo hồn nhiên.

Dịp này, nhiều chương trình truyền hình khác được thực hiện cùng góp phần lan tỏa tình yêu với Hà Nội. Chương trình Hà Nội trong tôi là... do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã tạo cơ hội cho những người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội chia sẻ cảm xúc chân thành về mảnh đất yêu thương này. Qua những câu chuyện, hình ảnh và âm nhạc, chương trình khắc họa vẻ đẹp, lịch sử và văn hóa của Hà Nội, sẽ giúp khán giả cảm nhận được sức sống mãnh liệt và sức vươn lên của thủ đô. Hàng loạt ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội chính là cầu nối cảm xúc, giúp khán giả đắm chìm trong vẻ đẹp của thủ đô trong những ngày gió heo may vương vấn qua từng phố nhỏ như Thu vàng, Có phải em mùa thu Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió, Hoa sữa và nhiều tác phẩm khác.

Hà Nội sức sống và niềm tin

Bên cạnh các chương trình truyền hình, hoạt động trưng bày nghệ thuật cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tình yêu với Hà Nội. Triển lãm Hà Nội sức sống và niềm tin tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng. Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc, phản ánh lịch sử, văn hóa và sức sống của thủ đô qua từng thời kỳ. Nhiều tác phẩm trong triển lãm được lựa chọn từ các nghệ sĩ trẻ và sinh viên mỹ thuật, cho thấy sự đa dạng trong phong cách sáng tác. Các tác phẩm mang nhiều chủ đề như lịch sử, chiến tranh, phong cảnh và cuộc sống thường nhật, từ đó giúp công chúng cảm nhận chiều sâu lịch sử và vẻ đẹp của Hà Nội.

Dịp này, Hội Mỹ thuật Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ học hỏi và sáng tạo. Sự kết nối giữa các thế hệ nghệ sĩ không chỉ thúc đẩy phong trào mỹ thuật mà còn góp phần khẳng định vị thế của Hà Nội trong lĩnh vực nghệ thuật. Qua đó, người xem không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà còn hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của thủ đô. Ngoài ra, tại Hoàng Thành Thăng Long cũng đang diễn ra hoạt động trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề Hà Nội và những cửa ô, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện về lịch sử của Hà Nội, từ những thời khắc lịch sử quan trọng đến những sự kiện tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và phát triển thủ đô.

Từ những chương trình nghệ thuật sâu sắc cho đến các triển lãm sáng tạo, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế của mình như một trung tâm văn hóa và nghệ thuật, là nơi mà tình yêu với quê hương không ngừng được lan tỏa và phát huy. Những hoạt động này không chỉ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại mà còn là nguồn động lực cho các thế hệ tương lai trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

Trao giải cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Chiều 7-10, Báo Hànôịmới tổ chức trao giải cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànôịmới, cuộc thi là dịp tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội, quảng bá về hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ với khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, nơi đáng đến và đáng sống; đồng thời khơi dậy tình yêu, khát vọng và trách nhiệm trong mỗi người Hà Nội, cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Sau hơn 5 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm của hàng trăm tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi, trong đó có sự tham gia của nhiều cây viết trẻ có nhiều triển vọng với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội. Kết quả, tác phẩm “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng” của tác giả Đan Nhiễm đã giành giải nhất.

QUỐC LẬP

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ket-noi-tinh-yeu-voi-ha-noi-qua-nghe-thuat-post762578.html